Việt Nam nỗ lực hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Việt Nam nỗ lực hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay có chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”.

Việt Nam cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Bệnh lao vẫn là "kẻ giết người hàng đầu" trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Cứ mỗi ngày, lại có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Những nỗ lực toàn cầu để chống lại bệnh lao đã cứu sống khoảng 54 triệu người kể từ năm 2000 và giúp giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống còn 42%. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong do bệnh lao hàng năm trên toàn cầu.

Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Ước tính năm 2017, Việt Nam có thêm 124.000 người mắc lao mới và có 12.000 người chết do lao. Mỗi năm, nước ta phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Việt Nam có tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm (con số này trên toàn cầu là 61%) và duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao, trên 92% cho người mới mắc lần đầu, 75% cho người mắc lao đa kháng thuốc đơn thần với phác đồ ngắn hạn, trong khi con số này trung bình toàn cầu là 52%. Ngay cả với lao siêu kháng thuốc Việt Nam đã có phác đồ có thuốc mới và dần bao phủ mở rộng trên phạm vi toàn quốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng.

TS Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao công tác phòng chống lao của Việt Nam. Ông cho biết, Việt Nam từ một trong những quốc gia chịu gánh nặng lớn về bệnh lao trên toàn cầu và là một trong số những nước có gánh nặng bệnh lao cao hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các cấp ngành, Việt Nam đã chuyển từ cam kết văn bản đến hành động thiết thực bằng việc không chỉ làm giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này mà còn trở thành một trong những quốc gia đi đầu mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong phòng chống lao ở cộng đồng.

Ngày 26-9-2018, lần đầu tiên trong lịch sử đã diễn ra cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao với sự cam kết của các nhà lãnh đạo cấp quốc gia các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Tại đây, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Nỗ lực hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Tổ chức Y tế thế giới nhận định, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao bởi có nhiều điểm mạnh.

Đó là, về cam kết chính trị, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã đặt chỉ tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030; Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chính phủ và Bộ Y tế có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác chống lao được triển khai thuận lợi…

Ngoài ra, Việt Nam hiện có mạng lưới y tế từ trung ương đến địa phương tích hợp vào hệ thống y tế chung tại cơ sở vận hành trong nhiều năm, mạnh về tổ chức và kinh nghiệm. Đến nay, toàn quốc đã có 51 bệnh viện chuyên khoa, trong đó 48 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có thể nhanh chóng áp dụng tốt tất cả các kỹ thuật can thiệp mới được WHO khuyến cáo. Mạng lưới đã phủ kín toàn quốc đến xã, phường, thị trấn và thôn bản.

Bên cạnh đó, hướng dẫn kỹ thuật với phác đồ chuẩn được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc từ tiêu chuẩn chẩn đoán, các kỹ thuật xét nghiệm, phác đồ điều trị lao thường, lao đa kháng, tiền siêu kháng, siêu kháng và lao tiềm ẩn đều được cấp thuốc miễn phí từ trung ương đến xã, phường, thị trấn, thôn bản.

Việt Nam cũng đã có mạng lưới nghiên cứu rất mạnh với việc thành lập Trung tâm hợp tác nghiên cứu lao và bệnh phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Việt Nam đã xây dựng được chiến lược nghiên cứu và các ưu tiên quốc gia về nghiên cứu và đổi mới. Việt Nam có những nghiên cứu tầm cỡ toàn cầu đã được tiến hành và hoàn thành từ thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu điều tra, nghiên cứu can thiệp dịch tễ và được đăng tải trên những tạp chí mạnh nhất trên thế giới, được WHO coi là một nước đi đầu trong triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.

Việt Nam được hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế cả về tài chính và kỹ thuật. Hiện nay, về tài chính, Quỹ toàn cầu đang hỗ trợ chủ yếu cùng với các đối tác khác đang chiếm khoảng 70% kinh phí vận hành chương trình. Về mặt kỹ thuật WHO, Hội chống lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), Tổ chức sáng kiến Tiếp cận y tế Clinton (CHAI)… đang hỗ trợ rất đắc lực để Việt Nam có thể áp dụng nhanh và hiệu quả nhất các công nghệ mới, đồng thời cũng cung cấp nhiều bằng chứng và kỹ thuật cho các nước trên thế giới.

Hiện tại có hơn 40 đối tác trong nước và quốc tế cùng tham gia với cơ chế điều phối mềm dẻo, từ cơ quan quản lý nhà nước, đến các hiệp hội, trường đại học, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, trong đó có 9 tổ chức cùng được hỗ trợ kinh phí của Quỹ toàn cầu thực hiện chung một mục đích chấm dứt bệnh lao.

Thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao hiện nay là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Việt Nam cần có sự tiếp cận chủ động của cộng đồng với các dịch vụ phòng, chống lao để phát hiện sớm và tất cả mọi trường hợp bị lao, điều trị khỏi tất cả các thể lao, vì vậy mà cắt đứt nguồn lây, chấm dứt bệnh lao. Giải pháp cho tiếp cận chủ động của cộng đồng đó là truyền thông giáo dục giảm thiểu kỳ thị mặc cảm về bệnh lao và có chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ kinh tế cho mọi người dân, không còn rào cản nào khiến họ phải giấu bệnh hoặc bỏ điều trị. Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB đang phát huy tác dụng, hỗ trợ nguồn kinh phí cho người bệnh mắc lao yên tâm điều trị.

Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay có chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”, nhấn mạnh vào sự cấp bách trong việc hành động, thực hiện các cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm mở rộng qui mô tiếp cận phòng ngừa và điều trị bệnh lao, chấm dứt sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh...

Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình chống lao quốc gia đã có kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai Chiến dịch truyền thông tại cấp trung ương và địa phương. Đây là hoạt động quan trọng hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng, chống lao; giảm mặc cảm kỳ thị đối với bệnh lao; tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế cung cấp. Tăng cường công tác phát hiện bệnh lao, đặc biệt là lao trẻ em, lao kháng thuốc, lao/HIV. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong phát hiện, xây dựng và triển khai các công cụ, can thiệp và chiến lược mới, cũng như trong nghiên cứu về lao và bệnh phổi.
Gia Khánh (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm