Việt Nam đưa đề tài biến đổi khí hậu tới Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2018

Việt Nam đưa đề tài biến đổi khí hậu tới Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2018
Tiết mục mở màn liên hoan do các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam biểu diễn. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Tiết mục mở màn liên hoan do các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam biểu diễn. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Vở rối có tên gọi “Công chúa tóc mây” do Nhà hát Múa rối Thăng Long dàn dựng; tác giả kịch bản: Nghệ sĩ Bạch Quốc Khanh; Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Phương Nhi và nghệ sĩ Bạch Quốc Khanh đảm nhiệm vai trò đạo diễn. Với thời lượng 45 phút, vở diễn kết hợp nhiều loại hình múa rối gồm: Rối nước, rối cạn với các hình thức biểu diễn là rối que, rối dây, rối người…

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Phương Nhi cho biết: Đưa ra chủ đề biến đổi khí hậu, vở rối “Công chúa tóc mây” thông qua các nhân vật trong thế giới cổ tích như nàng tiên cá, công chúa, hoàng tử, phù thủy, các loài vật gần gũi, quen thuộc với thiếu nhi như cún con, quạ, trăn… để chuyển tải thông điệp kêu gọi công chúng cùng chung tay chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Nhiều khán giả đã được dự tổng duyệt vở diễn này, nhận xét: Vở rối “Công chúa tóc mây” là câu chuyện hư cấu, không xây dựng theo một cốt truyện cổ tích nào nhưng các nhân vật của vở rối cùng đưa đến cho khán giả thông điệp rõ ràng là bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Điều quan trọng là tác phẩm này khá phù hợp với thị hiếu của thiếu nhi Việt Nam. Thưởng thức vở diễn, công chúng nhỏ tuổi sẽ mãn nhãn với những hình ảnh sinh động, đầy sắc màu với sáng tạo mới mang cả sân khấu rối cạn xuống nước, với hơn 20 nhân vật rối… trong một câu chuyện đầy tính logic, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Phương Nhi cũng nêu rõ: Đây là vở diễn vừa phục vụ khán giả, vừa so tài với bạn bè quốc tế nên việc cân bằng giữa hai yếu tố nghệ thuật, thị hiếu khán giả được đặt lên hàng đầu. Ekip thực hiện đã mất nhiều tháng để lên ý tưởng kịch bản, tạo hình con rối, thiết kế trang phục và sáng tạo âm nhạc riêng cho vở diễn. Sân khấu rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long cũng được biến hóa linh hoạt với 3 cụm cảnh để các nghệ sĩ vừa diễn rối cạn, vừa diễn rối nước, đồng thời thoải mái “khoe” các ngón nghề, tài nghệ, kỹ thuật trình diễn.

Diễn ra từ ngày 8-15/10, Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ V-2018 có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật múa rối đến từ các quốc gia: Thái Lan, Pháp, Philippines, Brazil, Campuchia, Trung Quốc… Bốn đơn vị nghệ thuật đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam tham dự Liên hoan gồm: Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Đoàn nghệ thuật Múa rối Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng.

Vở rối “Công chúa tóc mây” sau khi tranh tài tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ V-2018 sẽ được giới thiệu, biểu diễn rộng rãi để phục vụ công chúng trong, ngoài nước.
Mỹ Bình
TTXVN

Có thể bạn quan tâm