Ven biển Gò Công ứng dụng công nghệ cao sản xuất lúa gạo

Thu hoạch lúa ở Tiền Giang Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Thu hoạch lúa ở Tiền Giang Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Nằm ven biển Gò Công, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có khoảng 8.900 ha đất trồng lúa năng suất cao với sản lượng mỗi năm đạt trên 110.000 tấn lúa hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu.

Thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo của địa phương gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và hạn hán vào mùa khô hàng năm ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy.

Mặt khác, phương thức sản xuất của nông dân đa phần theo tập quán cũ, dựa vào kinh nghiệm, phụ thuộc vào thiên nhiên. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp gần đây liên tục tăng cao khiến chi phí sản xuất đầu vào tăng mạnh trong khi đầu ra của hạt lúa không tăng, hiệu quả sản xuất thấp ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, UBND huyện Gò Công Đông chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã hướng dẫn, tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa cho bà con. Qua đó, giúp nông dân tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng đến thay đổi tư duy, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả trồng lúa trên miền đất ven biển nhiều khó khăn, thách thức.

Trước mắt, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa gạo gắn với đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp ở cơ sở và bà con nông dân. Tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, tạo sản phẩm chất lượng cung ứng thị trường trong ngoài nước.

Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn, trong vụ Thu Đông năm 2018, trong khuôn khổ Dự án “Sản xuất lúa công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025”, lần đầu tiên huyện chọn Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa triển khai mô hình trình diễn máy cấy lúa “3 trong 1” (vửa cấy lúa, vừa bón phân thông minh vửa phun thuốc diệt trừ nấm bệnh) trên diện tích 7,5 ha đất canh tác tại ấp Giồng Lãnh, xã Tăng Hòa.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa cho biết, tham gia mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, nông dân được hỗ trợ 40% tiền lúa giống, phân bón trong 1 vụ; đồng thời, được hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật trị giá 500.000 đồng. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo qui trình ứng dụng khoa học công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tiền Giang chuyển giao.

Thực tế cho thấy, sử dụng máy cấy, trung bình 01 ha canh tác chỉ tốn 50 kg lúa giống. Mặt khác, khi cấy theo hàng, nông dân dễ dàng khử lẫn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hạt lúa khi thu hoạch. Năng suất cao hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống khoảng 10 - 15%. Nhờ chất lượng tốt, giá lúa bán cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. Từ kết quả trên, hiện Hợp tác xã đã mở rộng diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao lên 30 ha.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, đánh giá bước đầu cho thấy việc ứng dụng máy móc vào sản xuất lúa gạo giúp nông dân tiết kiệm được chi phí, ít tốn công lao động và tăng thêm hiệu quả sản xuất.

Đúc kết kinh nghiệm, Gò Công Đông tiếp tục nhân rộng mô hình máy cấy “3 trong 1” kết hợp triển khai ứng dụng Hệ thống Công nghệ cao gồm: lắp đặt thiết bị cảm ứng đo mực nước trên kênh, cập nhật dữ liệu liên tục và tương tác với trạm bơm tự động; Bộ cảm biến canh tác ướt khô xen kẽ (AWD TUBE); hệ thống điều khiển bơm tự động; Hệ thống điều phối nước vào/ra giữa kênh và ruộng; Phần mềm quản lý trung tâm cho Hợp tác xã nông nghiệp…

Hiện nay, toàn huyện đã nhân rộng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao lên trên 2.200 ha. Để đạt mục tiêu sản xuất lúa công nghệ cao đề ra, khi triển khai tại các xã, địa phương chọn đại diện hộ nông dân làm tổ trưởng là những người năng nỗ, có uy tín, trách nhiệm, có năng lực quản lý đứng ra làm đầu mối kết nối bà con thực hiện.

Thực tế cho thấy, tại các điểm nhân rộng mô hình, việc áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất lúa gạo đã giúp giảm lượng giống bình quân 100 kg/ha, giảm lượng phân đạm sử dụng từ 30 – 50 kg/ha, giảm lượng phân kali từ 10 – 16 kg/ha, giảm 2 – 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. giảm 1 - 2 lần bơm nước/vụ; năng suất lúa tăng khoảng 0,25 tấn/ ha và lợi nhuận tăng khoảng 4 triệu đồng/ ha so với bên ngoài mô hình.

Ngoài ra, còn mang lại những hiệu quả xã hội to lớn khác như: giảm ô nhiễm môi trường, cho ra sản phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tiến tới định hướng sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường.

Huyện Gò Công Đông đang tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các địa bàn sản xuất trọng điểm của địa phương, đặc biệt là các xã ven biển chịu ảnh hưởng hạn mặn gay gắt hàng năm như: Tân Điền, Tân Thành, Tăng Hòa… Cụ thể, trong năm 2023, mở rộng thêm 500 ha; năm 2024 mở rộng thêm 500 ha; năm 2025 mở rộng thêm 320 ha sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Theo lộ trình, địa phương sẽ định hình các vùng chuyên canh sản xuất lúa cơ giới hóa toàn bộ các khâu từ gieo sạ đến bón phân, phun thuốc, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, đặc biệt là sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật… Tiến tới xây dựng mã số vùng trồng cho cây lúa đảm bảo thực hiện truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đồng thời với xây dựng các dự án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân áp dụng tiêu chí GAP trong sản xuất lúa gạo, hướng tới sản xuất lúa hữu cơ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ sản xuất trên diện rộng, đưa nghề trồng lúa tại ven biển Gò Công lên một tầm cao mới và phát triển một cách vững chắc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang-Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, huyện Gò Công Đông đi đầu trong tỉnh về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu. Từ đó, tạo đột phá phát triển bền vững cho nghề trồng lúa địa phương phù hợp với đặc thù ven biển ảnh hưởng hạn – mặn hàng năm, thiết thực giúp huyện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ra mắt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tiền Giang vào năm 2020.
Từ Gò Công Đông, mô hình đang có sức lan tỏa, góp phần tạo diện mạo mới cho nghề trồng lúa tại ra các địa phương khác như: Cái Bè, Cai Lậy… trong vùng kiểm soát lũ phía Tây.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm