Về Tân Hội nghe hát chèo tàu

Về Tân Hội nghe hát chèo tàu
Diễn xướng hát Chèo tàu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt Câu lạc bộ hát Chèo tàu xã Tân Hội. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
 Diễn xướng hát Chèo tàu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt Câu lạc bộ hát Chèo tàu xã Tân Hội. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Sống lại nhờ đam mê

“Hời hỡi các bạn tàu ta/Nghe tiếng sênh ba thì ngoảnh mặt lại/Từ mũi chí lái, xếp mái cho đều/Nghe sênh hát gióng tay chèo khoan khoan...”. Đó là lời bài hát “Tàu 1” do các đội hát chèo tàu diễn xướng tại lễ hội chèo tàu ở Tân Hội.

Dù gọi là chèo tàu nhưng nghi lễ hát tổ chức ở trên cạn, với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu (những chiếc thuyền rồng bằng gỗ). Trong nghi lễ hát chèo tàu, đạo cụ không thể thiếu chính là tàu và tượng (voi). Trên mỗi thuyền đều có 1 bà chúa tàu khoảng 50 tuổi, múa hát giỏi; 2 cái tàu và 10 con tàu là các thiếu nữ từ 13-16 tuổi. Khi biểu diễn, chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng, 10 con tàu hát họa theo. Các làn điệu hát chèo tàu thường là: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ, ca ngợi công đức của Thành hoàng làng.

Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, hội chèo tàu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1683 và thường niên 25 năm tổ chức một lần, diễn ra liên tục trong vòng một tháng. Hội cuối cùng được tổ chức vào năm 1922 và bị gián đoạn do chiến tranh. Đến năm 1998, hội được khôi phục lại, đến năm 2015 mới được tổ chức lớn. Hiện nay, hội chèo tàu được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm, thu hút đông đảo người dân trong vùng tham dự.

Nhưng để hội chèo tàu phục hồi sau 76 năm gián đoạn là sự dày công và tâm huyết của nhiều bậc cao niên ở Tân Hội. Nghệ nhân Đông Sinh Nhật chia sẻ, sau nhiều năm vắng bóng, việc sưu tầm các làn điệu chèo tàu một cách bài bản gặp nhiều khó khăn. May mắn, thời điểm đó vẫn còn nhiều cụ là ca nhi từng tham gia hội năm 1922 còn nhớ các làn điệu cổ như: Tiến Thị Lục, Kim Thị Ba, Nguyễn Thị Năm, thời điểm đó các cụ đã ở tuổi ngoài 80. Ông Đông Sinh Nhật và một số người khác đã đến nhờ các cụ truyền dạy các làn điệu chèo tàu...
 
Diễn xướng hát Chèo tàu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt Câu lạc bộ hát Chèo tàu xã Tân Hội. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Diễn xướng hát Chèo tàu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt Câu lạc bộ hát Chèo tàu xã Tân Hội. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Ngoài học lại điệu chèo tàu từ các cụ từng tham gia hội, các bậc cao niên trong làng như các ông Đông Sinh Nhật, Nguyễn Hữu Yến, bà Ngô Thị Thu, bà Nguyễn Thị Tuyết và bà Nguyễn Thị Lệ Thủy còn phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Tây (cũ) nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức sưu tầm, ghi âm bài hát dân gian trong quần chúng rồi học, đối chiếu để hát cho chuẩn. Sau nhiều năm trăn trở, các ông bà trên đã thành lập Câu lạc bộ hát chèo tàu Tân Hội nhằm khôi phục làn điệu chèo tàu cổ, phục dựng lễ hội hát chèo tàu. Từ 20 người ban đầu, sau một thời gian hoạt động, số hội viên câu lạc bộ tăng dần, đến nay đã lên tới 60 người. Đến với nhau, họ cùng chung niềm đam mê và lòng tự hào với di sản vốn quý của làng xã để quên đi những vất vả trong cuộc sống.

Với sự vào cuộc của ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội, công tác tư liệu hóa được coi trọng nhằm giữ gìn nghệ thuật trình diễn hát chèo tàu. Các làn điệu chèo tàu trong lễ hội hiện nay đều được ghi âm, ghi hình, văn bản hóa, vừa hỗ trợ công tác lưu trữ vừa để phổ biến trong cộng đồng.

Trao truyền cho thế hệ trẻ

Từ khi thành lập, dù còn nhiều khó khăn song Câu lạc bộ hát chèo tàu Tân Hội vẫn thường xuyên sinh hoạt, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đó chính là tâm nguyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát chèo tàu của người dân Tân Hội để loại hình nghệ thuật quý giá này được “sống” bền vững trong đời sống tinh thần của người dân.
 
Đặc thù của chèo tàu là chỉ có nữ hát. ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Đặc thù của chèo tàu là chỉ có nữ hát. ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Các bậc cao niên trong làng cho biết, đặc thù của chèo tàu là chỉ có nữ hát, những cô gái lớn lên sẽ lập gia đình, có thể chuyển nơi ở nên việc truyền dạy phải thực hiện liên tục cho thế hệ kế cận. Có những người phải vận động nhưng có nhiều người tự tìm đến để được gắn bó với di sản vốn quý này.

Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ tổ chức được 6 khóa dạy hát chèo tàu, đang chuẩn bị mở khóa thứ 7, mỗi khóa có từ 40 - 50 người theo học. Con số đó cũng đủ chứng minh sức hút của nghệ thuật độc đáo hát chèo tàu. Đối tượng chủ yếu của các lớp học là nữ sinh từ cấp hai đến cấp ba trong làng, trong đó có cháu mới lên 10 tuổi đã đến theo học. Cùng với việc dạy hát, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo tàu Tân Hội cũng nâng cao ý thức của các cháu nhỏ trong việc gìn giữ di sản quê hương, gắn bó với nghệ thuật chèo tàu.

Việc khôi phục, phát huy nghệ thuật truyền thống hát chèo tàu dù đã khẳng định được kết quả ban đầu song vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của người dân xã Tân Hội và chính quyền địa phương. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Tân Hội tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình truyền dạy hát chèo tàu để kịp thời thông tin; đồng thời phối hợp xây dựng kế hoạch hành động bảo vệ nghệ thuật truyền thống hát chèo tàu giai đoạn 2018 - 2020.
Đinh Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm