Vẽ sáp ong trên vải lanh

Vẽ sáp ong trên vải lanh

Se lanh, dệt vải – kỳ công

Vào tháng 9, tháng 10, tháng 11, đến các bản người Mông ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đều bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Mông đang ngồi vẽ sáp ong bên bếp lửa. Đây là lúc công việc đồng áng xong xuôi, có thời gian rảnh rỗi, chị em bắt tay vào may vá, thêu thùa. Vải lanh bền nên thường được đồng bào Mông dùng để làm trang phục.

Để tạo được những hoa văn trên tấm vải, người Mông Hoa đã nghĩ ra cách dùng sáp ong để vẽ. Các bước chuẩn bị cho vẽ sáp ong trên vải lanh cũng lắm công phu. 

                            qua-trinh-nhuom-cham-cho-vai-lanh-tho-cam-Mela.JPG

                     Đôi bàn tay phụ nữ nào xanh xanh màu chàm, ấy là người chăm chỉ, chịu khó. Ảnh: IE

Đầu tiên phải làm lanh, dệt vải. Một chiếc váy Mông được làm từ tấm vải lanh dài từ 6 – 7m. Lanh được cắt về phơi khô, đem giã cho mềm rồi mới nối. Trước khi dệt vải, sợi lanh được đem ngâm với tro bếp. Đó phải là tro trắng, đun từ củi nghiến mà thành. Tro bếp càng trắng bao nhiêu đem ngâm vỏ lanh càng trắng bấy nhiêu. Lúc đó mới bắt đầu dệt vải. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp chàm bám chắc hơn khi nhuộm, vải phải được giặt, phơi cẩn thận, sau đó mang đi lu cho mặt vải bóng mịn.

Công đoạn chuẩn bị vải hoàn thành, tiếp đến là chuẩn bị sáp ong để vẽ. Chị Hờ Thị Và ở thôn Ma Hồng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết: sáp ong có hai khoảnh màu vàng và màu đen. Màu vàng là lớp sáp non, màu đen là lớp sáp già, bóp cho hai khoảnh sáp đó chảy hết mật rồi nấu mỗi loại ra một nồi khác nhau. Nấu sáp cho đến khi nóng chảy, đem đổ ra bát riêng. Lấy một lượng sáp đen vừa đủ, trộn đều với sáp vàng với một lượng tương ứng và đặt lên bếp.

“Nếu nấu trộn ngay từ đầu thì nó không được đẹp. Khi bắt đầu chuẩn bị in sáp lên váy bắt buộc nấu hai loại sáp này trộn với nhau để nó chảy ra. Khi đun sáp, chảo bao giờ cũng nóng ở nhiệt độ 70 – 80. Sáp nóng in ra nó mới không bị khô. Nếu không sáp sẽ không dính vào váy”. – Chị Và lý giải.

Để làm được một chiếc váy, người phụ nữ Mông mất rất nhiều công. Khi đã chuẩn bị được vải, sáp, họ bắt đầu bước vào công đoạn vẽ sáp. Nhưng để vẽ thành một chiếc váy in hoa văn đủ sắc họ phải làm cả tuần, cả tháng, thậm chí có khi vài tháng mới xong được cái váy. 

                             dangcongsan.vn.JPG

                Ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác, được nẹp vào thanh tre. Ảnh: dangcongsan.vn

Chị Hờ Thị Và bảo, khi có sợi lanh, đi đâu, làm gì, lên rừng lấy củi hay đi hội, đi chăn trâu, làm đất, làm tất cả các công việc, người phụ nữ Mông đều phải se lanh trên tay. Đôi bàn tay cô gái nào xanh xanh màu chàm, ấy là người chăm chỉ, chịu khó, tương lai sẽ là người vợ tốt.

Se lanh xong cũng là lúc vào mùa bẻ ngô. Khi nào xong xuôi công việc đồng áng, phụ nữ Mông lại bắt đầu làm công đoạn dệt lanh, dệt vải. Không chỉ làm ban ngày, phụ nữ Mông còn tranh thủ làm cả ban đêm, không lúc nào ngừng nghỉ.

“Chuẩn bị lấy một con dâu phải có 3 cái váy, người mẹ phải rất vất vả chuẩn bị. Đón con dâu mình bằng 3 cái váy thì phải làm cả năm miệt mài, có khi làm trước cả 1 – 2 năm rồi cất đi đấy. Một người phụ nữ Mông chăm chỉ nhất một năm chỉ làm được 2 cái. Không phải mùa nào cũng làm được, chỉ vào mùa đông mới làm được, mà một mùa cũng chỉ có một vụ lanh thôi”.

                                      vietnamplus.vn.jpg

                                                   Từ nhỏ họ đã ý thức việc dệt vải không chỉ để làm đẹp
                                                   mà còn là trách nhiệm, bổn phận. Ảnh: vietnamplus.vn

Kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh

Để vẽ được sáp ong lên vải, một công cụ không thể thiếu đó là bút vẽ. Gọi là bút, nhưng kỳ thực đó là một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác, được nẹp vào thanh tre.

Khi vẽ, người phụ nữ Mông luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong nóng đặt trên than hồng, thoăn thoắt đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Phải kẻ thật khéo để lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới tiếp tục chấm tiếp.

Bút vẽ có 3 loại, một loại để vẽ phác họa, vẽ đường thẳng dùng ngòi to, còn loại để vẽ hoa văn dùng ngòi nhỏ, càng mỏng manh vẽ hoa văn càng đẹp và dễ dàng hơn. Chị Hờ Thị Và giải thích:

“Khi in sáp trên váy, chúng tôi hay có cái gùi, miếng gỗ để trên lên cái gùi chúng tôi gọi là lu cử, là một miếng ván bằng và nhẵn, một đầu để cái đã in xong rồi, một đầu để cuộn tiếp tục in tiếp, in đến đâu ta lăn, ta quấn vải đến đấy cho nó không bị bẩn. Sau đó, chúng tôi kẻ vẽ và khi đưa cái bút, đầu bút phải chìa ra ngoài, cái bút phải ở trong phía lòng của người ngồi. In sáp không phải in bất cứ chỗ nào cũng được, mà lúc nào người phụ nữ Mông cũng ngồi ở gần cạnh bếp thì mới in được”.

Tấm vải lanh dài 7m sẽ được chia đều thành 10 – 12 ô vuông. Đoạn hai đầu trên cạp váy và dưới đoạn nối thổ cẩm phải kẻ đường thẳng, rồi họ bắt đầu kẻ hình tam giác, hình trôn ốc, in thành hình đồng tiền, hình chữ thập, hình chân chim… Vẽ xong toàn bộ váy, người ta lại mang đi luộc, phải đun sôi lửa và đều tay lớp sáp mới bong hết và để lại hoa văn đẹp trên lớp vải. Nhưng luộc rồi chưa phải đã xong,  tiếp tục lấy chàm về nhuộm, phơi vài lần nắng mới được chiếc váy lanh hoàn chỉnh.

Ông Sùng Mí Quảng, Chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất vải lanh truyền thống xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ bảo, muốn có hoa văn sáp ong đẹp, khi nhuộm phải có kỹ thuật hãm: “Ngày trước chúng tôi cũng không biết đâu. Các cụ chúng tôi nhỡ tay, nhỡ tay nhưng mà được việc, lấy cái thuốc củ nâu đem vào nhuộm cũng là một loại. Nhưng sau đó nhỡ tay đổ vào chảo, cái váy đang nhuộm dở nó lại mắc lên trên, quá trình hấp, củ nâu chín một cái hơi nó hớp ra thì hóa ra nó lại là một bài hãm màu cực tốt cho tất cả các màu nên đó là bí quyết”.

Nghề mẹ truyền con nối

Trên nền vải màu xanh chàm nổi bật hàng hoa văn sáp ong màu trắng bạc, đấy đích thị là bàn tay của người phụ nữ tài hoa. Từ nhỏ họ đã ý thức được việc làm lanh, làm vải, vẽ sáp không chỉ để làm đẹp mà còn là trách nhiệm, bổn phận phụ nữ Mông Hoa. 12 tuổi, chị Sùng Thị Mỉ, ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang đã bắt đầu học cách dệt vải, vẽ sáp. Chị tâm sự, muốn vẽ sáp ong trên vải đẹp người con gái Mông phải chăm học, lúc nào cũng phải ghi nhớ trong đầu và phải tự làm, nếu không thì sẽ không bao giờ biết vẽ.

“Đã là con gái Mông khi còn ở nhà bố mẹ ai cũng phải biết trồng lanh, dệt vải, se lanh in sáp, rồi làm thổ cẩm. Khi đấy mới có nhiều chàng trai để ý đến, còn nếu không biết trồng lanh dệt vải, không biết se lanh thì người phụ nữ đấy chưa phải là người phụ nữ Mông” – chị Mỉ nói.

Người phụ nữ Mông Hoa đã và sẽ không bao giờ từ bỏ nghề làm vải lanh, vẽ sáp ong truyền thống của mình. Bởi, đó còn là chuyện tâm linh. Khi qua đời, người Mông Hoa nhất thiết phải mặc váy áo vải lanh, in sáp ong, để được“gia nhập” thế giới tổ tiên.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm