Vất vả mưu sinh mùa lũ muộn

Vất vả mưu sinh mùa lũ muộn
* Sống tạm qua mùa lũ muộn 

Về huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), nơi đón những con nước đầu tiên từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Việt Nam những ngày này, chúng tôi thấy không khí vắng tanh, không còn cảnh bà con "đón" lũ để bắt cá, tôm như những năm trước. Thay vào đó là những ánh mắt buồn hiu, trông chờ nước rút để xuống giống vụ mới. 
 
Những chiếc lọp bắt cá linh của ông Nguyễn Văn Tòng (ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng) phải cất kho vì nước nhỏ, không có cá.
 Những chiếc lọp bắt cá linh của ông Nguyễn Văn Tòng
(ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng) phải cất kho vì nước nhỏ, không có cá. 

Ông Nguyễn Văn Thái, 65 tuổi, ở ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú cho biết, hàng năm, nước lũ đổ về mang đến cho bà con nông dân trong vùng nhiều lợi ích như: rửa chất độc hữu cơ, mang theo lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, vườn cây ăn trái. Các làng nghề làm ngư cụ và nông dân mưu sinh nhờ mùa nước nổi có thêm thu nhập... Nhưng năm nay lũ về muộn, con nước thấp chỉ đủ để tháo chua, rửa phèn chứ không có tôm cá như mọi năm, nên việc mưu sinh mùa nước nổi của cư dân vùng lũ cũng vất vả hơn. 

Tiểu thương thu mua bông sung đồng tại vùng đầu nguồn xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên.
 Tiểu thương thu mua bông sung đồng
tại vùng đầu nguồn xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên.

Thả hơn 300m lưới từ lúc 3 giờ khuya đến 8 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Út, ở ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú chỉ kiếm được gần 3 kg cá linh, cá sặt, cá chạch đồng. Ông Út cho biết, trước đây, khi lũ về, cá rất nhiều, còn năm nay, chỉ bằng 1/10 so với 4 - 5 năm trước. Gắn bó với sông nước nên ông hiểu quy luật. Ngày trước, lũ về mang theo cá từ thượng nguồn, cá vừa đi vừa lớn, nước lũ tới đâu cá tìm về sông rạch, lên đồng vùng hạ nguồn đến đó. Mùa lũ tuy vất vả nhưng giúp bà con kiếm thêm được chút thu nhập trang trải cuộc sống. Nhưng năm nay, nước lũ về quá muộn (gần hai tháng) so với mọi năm, đến gần cuối mùa nước nổi thì con nước mới chịu "nhảy bờ" nên cá, tôm, cua cũng khan hiếm. 

Với thâm niên hơn hai chục năm mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, ông Phạm Văn Tùng , ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu cũng lắc đầu ngao ngán: "Ngồi cả ngày, thăm lưới 2 - 3 lần nhưng chỉ được vài ký cá linh, cá tạp mà cũng khó bán, chủ yếu là họ mua về làm thức ăn cho cá hoặc làm mắm". Theo ông Tùng , mùa lũ năm nay về quá muộn, cá, tôm ít, cực nhọc cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng nhưng "không làm thì sống bằng gì?". 
Tiểu thương thu mua bông sung đồng tại vùng đầu nguồn xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên.
Tiểu thương thu mua bông sung đồng
tại vùng đầu nguồn xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. 

Tại các chợ đầu mối cá đồng ở chợ Long Bình, thị trấn Long Bình; chợ Vĩnh Hội Đông, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú… cảnh mua bán cá cũng đìu hiu, đa phần tiểu thương bán cá nuôi. “Chợ ma” Tha La nằm dưới đập Tha La, thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên là điểm mua bán cá đồng đông nhất tỉnh An Giang (chợ họp từ lúc 3 giờ sáng nên bà con thường gọi là chợ ma) giờ cũng vắng lặng, chỉ còn vài điểm bán cá lòng tong, cá sặt, cá linh già… 

Theo bà Lê Thị Oanh, tiểu thương mua bán cá tại chợ Tha La, chưa năm nào cá đồng lại ít như năm nay. Ngồi cả ngày mà chỉ mua được 3 - 4 kg lươn, khoảng 10 kg cá đồng. "Những năm trước, một ngày tôi có thể mua trên 100 kg cá, lươn các loại. Buôn bán kiểu này năm sau tôi chuyển nghề" - bà Oanh nói.
 
Cả gia đình anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Bà Bàu, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên tranh thủ con nước kiếm thêm thu nhập.
Cả gia đình anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Bà Bàu,
xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên tranh thủ con nước kiếm thêm thu nhập. 

* Làng nghề điêu đứng 

Không những nông dân vùng lũ gặp khó khăn do nguồn thủy sản cạn kiệt, mà những nghề sống phụ thuộc vào mùa nước lũ cũng chật vật. Tại huyện đầu nguồn An Phú nhiều chủ cơ sở sản xuất ngư cụ, phương tiện đánh bắt cá mùa lũ cũng lao đao . Nghề làm lọp (đơm, đó) cá linh ở xã Ph ước Hưng (huyện An Phú) đang đứng trước khó khăn do lọp cá linh không ai mua vì lũ về quá muộn, con nước thấp, không có cá. Từ năm 2013 đến nay, nước lũ không về, các hộ làm lọp cá linh ở tổ hợp tác sản xuất lợp cá linh xã Phước Hưng "treo nghề" chờ con nước. 
 
Anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Bà Bàu, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên tranh thủ vừa thả lưới vừa nhổ thêm ít bông sung đồng kiếm thêm thu nhập.
 Anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Bà Bàu, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên
tranh thủ vừa thả lưới vừa nhổ thêm ít bông sung đồng kiếm thêm thu nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Tòng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lọp cá linh ở ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, hiện nay đã gần cuối mùa nước nổi nhưng nước lũ mới tràn đồng nên không ai dám sản xuất. 

"Mùa nước nổi được xem là mùa làm ăn của người cồn Cóc. Cứ độ này hằng năm, bà con ai nấy đều tất bật lo cho thời vụ. Mỗi một mùa nước, nhà nào cũng kiếm trên dưới 15 triệu đồng từ bán lọp. Nhưng mấy năm rồi, nước dưới sông không lên, nghề đan lọp cũng theo đó lao đao. Tổ hợp tác trước đây có 51 hộ với hơn 230 lao động thì bây giờ số hộ làm nghề đan lọp cá linh đếm không hết đầu ngón tay. Một số người khác đi làm mướn, có những hộ đi cả gia đình và dặn dò khi nào nước lên lại thì cho hay để quay về tiếp tục với nghề" - ông Tòng than thở.
 
Vất vả cả ngày nhưng anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Bà Bàu, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên cũng chỉ bắt được hơn 5kg cá linh. Với giá bán 5000 đồng/kg, số cá không đủ giúp anh trang trải cuộc sống hàng ngày.
 Vất vả cả ngày nhưng anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Bà Bàu,
xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên cũng chỉ bắt được hơn 5kg cá linh.
Với giá bán 5000 đồng/kg,
số cá không đủ giúp anh trang trải cuộc sống hàng ngày. 

Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng, huyện An Phú cho biết, năm nay lũ về quá muộn, con nước cũng không lớn nên cá không nhiều. Thêm vào đó, các loại thủy sản trong tự nhiên có xu hướng ngày càng cạn kiệt nên người dân không còn mặn mà với việc đánh bắt mùa lũ nữa. 

Một mùa lũ qua đi, mừng vì lũ không gây thiệt hại đến nông nghiệp, đồng ruộng được bồi đắp thêm phù sa, nhưng cư dân vùng lũ đang lo vì những sản vật mùa nước nổi ngày càng khan hiếm, cuộc sống của người dân sống phụ thuộc vào mùa lũ sẽ chật vật hơn. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm