“Vật thiêng” của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Cao Bằng

“Vật thiêng” của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Cao Bằng
Khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Dao.
Khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Dao.
Phụ nữ Tày để tóc dài vấn ngang đầu hoặc búi sau gáy. Khăn vấn đầu được làm thành một vòng tròn vừa với đỉnh đầu. Chất liệu của khăn trước đây được làm bằng vải lụa nhuộm chàm nhưng hiện nay, khăn được khâu bằng vải nhung tạo nên độ mềm, mượt và được độn bằng bông ở giữa. Phụ nữ Tày thường búi tóc ra sau rồi đội khăn lên giữa đầu. Khăn vấn đầu có cài thêm những họa tiết như những ngôi sao nhỏ nhiều màu tạo cho khăn thêm rực rỡ và lấp lánh hơn. Nhiều thiếu nữ còn thêm vào một bên khăn chùm tua rua được kết bởi những sợi chỉ nhiều màu. Ngoài vòng khăn tròn, phụ nữ Tày còn đội khăn vuông. Loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu mỏ quạ của người Kinh. Khi chưa lấy chồng, thiếu nữ Tày thường rẽ ngôi tóc lệch nhưng khi đã lấy chồng hoặc có tuổi họ lại rẽ ngôi thẳng.
 
Phụ nữ Mông Trắng búi tóc sau gáy và quấn khăn rằn.
Phụ nữ  Mông Trắng búi tóc sau gáy và quấn khăn rằn.
Phụ nữ dân tộc Mông ở Cao Bằng với hai ngành Mông Đấư (Mông Đen) và Mông Đú (Mông Trắng) đều để tóc dài để búi hoặc quấn trên đầu. Ở nhà họ để đầu trần nhưng khi đi ra đường sẽ đội khăn. Phụ nữ ngành Mông Trắng cuốn khăn rằn có chiều rộng chừng 20 cm, chiều dài một sải tay hoặc dài hơn theo ý thích của mình. Khăn rằn thường có hai màu tạo bởi các ô vuông nhỏ khoảng 1 mm màu trắng và màu đen hoặc màu trắng và màu chàm. Một đầu khăn phải cuốn từ 4 đến 5 sải tay mới đủ. Khi đội sẽ gấp đôi theo chiều rộng, phần mép được gấp giấu vào phía trong, lúc này khăn rằn chỉ còn rộng chừng 6 cm, sau đó cuộn xung quanh đầu. Cuộn to hay nhỏ tùy thuộc vào ý thích của mình. Khi tham gia những sự kiện, như: lễ hội, đám cưới..., phụ nữ Mông Trắng trẻ thường vấn vòng khăn giống như một cái mũ, phía dưới đính hạt cườm sặc sỡ. Phụ nữ Mông Đen không đội khăn rằn mà chỉ đội miếng vải màu đen trên đầu.  
  
Khăn đội đầu của phụ nữ Dao Tiền có màu trắng dài khoảng 1,2 - 1,5 m. Hai đầu khăn có hai mảng hoa văn hình vuông màu đen và các hình thêu viền nhiều màu sắc. Khi đội khăn phụ nữ thường búi tóc ngược lên đỉnh đầu, hơi hướng về phía trước. Còn phụ nữ dân tộc Dao Đỏ đội khăn gọi là "goòng phá". Ngoài vành khăn có một dải nền trắng, trên đó thêu hoa văn sọc đỏ hồng với khoảng cách đều nhau. Đỉnh khăn là một miếng vải hình vuông thêu hoa văn sặc sỡ. Một số địa phương, người phụ nữ Dao Đỏ cắt trọc đầu nhưng vẫn có khăn đội đầu. Ngày thường để tiện trong các hoạt động sinh hoạt và lao động sản xuất họ thường lấy khăn mặt vấn lên đầu. 
 
Cách vấn tóc đẹp mắt của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ.
Cách vấn tóc đẹp mắt của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ.
Phụ nữ dân tộc Sán Chỉ vấn tóc và cố định một vòng ngang đầu bằng rất nhiều cặp tóc để giữ tóc gọn gàng đồng thời tạo độ chắc chắn dù băng rừng, lao động hằng ngày cũng không bị xổ tóc ra. Khăn màu trắng pha mảnh vải đen ở giữa. Vào ngày trọng đại thì phụ nữ thường đội khăn màu đỏ được thêu hoa văn đẹp mắt và gắn các dải len nhiều màu sắc rực rỡ, cài thêm châm cài bằng bạc.
 
Điểm qua những kiểu tóc và vấn tóc riêng của phụ nữ một số dân tộc thiểu số trên cho thấy bên cạnh vẻ đẹp trang phục truyền thống của mỗi dân tộc thì cách vấn tóc, khăn đội đầu là một điểm nhấn đặc sắc tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh cho người phụ nữ. Mỗi một dân tộc có cách làm duyên bằng các kiểu tóc độc đáo khác nhau do sự khéo léo và theo quan niệm thẩm mỹ riêng. Nhưng điểm chung nhất, đáng quý nhất, chiếc khăn của người phụ nữ đã trở thành vật gắn kết tình cảm các thế hệ, là tín hiệu hôn nhân, tình yêu, hạnh phúc nên được nâng niu coi như là “vật thiêng” của mỗi người phụ nữ, trở thành nét văn hóa giàu bản sắc của mỗi dân tộc. 
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm