Văn hóa Tây Nam bộ góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Văn hóa Tây Nam bộ góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Tại hội thảo, các nhà khoa học chia sẻ nhiều nghiên cứu về đặc trưng, giá trị văn hóa Tây Nam bộ, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về những tác động đến văn hóa Tây Nam bộ; kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy; xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm phát huy sức mạnh nền văn hóa…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết, Tây Nam bộ còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất có lịch sử hình thành, phát triển đặc biệt trên nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa và con người. Hiện nay, Tây Nam bộ là một trong sáu vùng kinh tế – xã hội của Việt Nam và là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Tây Nam bộ là vùng đồng bằng có dân số lớn thứ hai ở Việt Nam (sau Đồng bằng sông Hồng), chiếm 18% dân số cả nước. Đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc, trong đó chủ yếu có bốn dân tộc Kinh, Khmer, HoaChăm. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng và những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc vẫn được bảo tồn, phát huy. Nhưng trong quá trình chung sống, lao động, đặc biệt là qua quan hệ hôn nhân, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tại vùng đất này.

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vùng Tây Nam bộ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở, ô nhiễm môi trường… làm ảnh hưởng lớn đến sinh kế và đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân vùng Tây Nam bộ. Cùng với đó là các vấn đề xã hội phức tạp như nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, di cư lao động, tội phạm… Do vậy, cần phải có tầm nhìn mới, giải pháp mới nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ, đặc biệt là yếu tố văn hóa.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, văn hóa có vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương. Trong quá trình cộng cư trên vùng đất Tây Nam bộ, các cộng đồng dân cư Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đã sáng tạo nên một kho tàng văn hóa phong phú và giàu bản sắc. Trên thực tế, kho tàng đó đã được người dân sử dụng như một nguồn vốn trong kết nối cộng đồng, kiến tạo mạng lưới xã hội, kiến tạo các chuẩn mực giá trị và tạo nên các giá trị kinh tế trong phát triển. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều văn bản, chính sách phát huy các giá trị văn hóa trong cuộc sống và phát triển vùng nhưng người Tây Nam bộ vẫn mong muốn có thêm sự đầu tư, quan tâm của các cấp chính quyền để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh trong phát triển bền vững, góp phần phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, khi cùng cộng cư trong một khu vực, yếu tố đặc trưng văn hóa tộc người sẽ dần bị mờ nhạt. Sự đồng nhất, biến đổi và pha trộn trong các loại hình văn hóa của ba dân tộc Việt, Hoa, Khmer ở khu vực Tây Nam bộ làm cho “biên giới" văn hóa tộc người ở khu vực dần bị xóa nhòa. Những yếu tố văn hóa đặc trưng mang tính tộc người trở nên mờ dần. Nguyên nhân là do các yếu tố chung mà các thành phần tộc người sống trong cùng một tiểu vùng văn hóa như khu vực Tây Nam bộ đã trải qua và cùng sống, chịu sự chi phối trong một môi trường địa lý sinh thái, cùng trải qua những biến động của xã hội, hôn nhân hỗn hợp giữa các tộc người... Tất cả những yếu tố đó tạo nên sự lai tạp, pha trộn dẫn đến sự tương đồng trong sinh hoạt văn hóa. Điều này sẽ dần trở thành một vấn đề khó khi sử dụng văn hóa như một tiêu chí để xác định thành tộc người trong tương lai.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm…/.
Thanh Hòa
TTXVN

Có thể bạn quan tâm