Tưởng niệm 767 năm Ngày mất An Sinh Vương Trần Liễu

Tưởng niệm 767 năm Ngày mất An Sinh Vương Trần Liễu
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ tưởng niệm An Sinh Vương Trần Liễu. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ tưởng niệm An Sinh Vương Trần Liễu.
Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Tại buổi lễ, ông Lê Văn Bí, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kinh Môn đã đọc diễn văn và cung tuyên thân thế, sự nghiệp của An Sinh Vương Trần Liễu.

Trần Liễu sinh năm 1211, mất năm 1251. Ông là thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - người ba lần lãnh đạo quân dân ta kháng chiến đánh tan quân Nguyên Mông (năm 1258, 1285, 1288), giữ vững nền độc lập dân tộc, vẹn toàn non sông đất nước.
 
Đọc văn tế An Sinh Vương Trần Liễu. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN
Đọc văn tế An Sinh Vương Trần Liễu. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Năm 1237, triều đình cắt đất các xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang (nay một phần thuộc Đông Triều, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh và một phần thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) giao cho Trần Liễu làm Thái Ấp và phong ông làm An Sinh Vương ở vùng đất ấy. An Sinh Vương Trần Liễu thay Vua trấn thủ vùng Đông Bắc, xây dựng vùng đất ven biển trở nên giàu mạnh về kinh tế, quốc phòng. Sau khi mất, ông được người dân lập đền thờ trên núi An Phụ (đền Cao). Ngày mất của ông (1/4 âm lịch) trở thành ngày hội truyền thống đền Cao.

Sau văn tế, các đại biểu và du khách thập phương đã dâng hương tưởng niệm An Sinh Vương Trần Liễu. Trong dịp này, tại đền Cao còn diễn ra các hoạt động như thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, biểu diễn hát chèo, dân ca và thi đấu bóng chuyền nam…
 
Lễ rước bộ. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN
Lễ rước bộ. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN
Các đại biểu và du khách thập phương dâng hương tưởng niệm An Sinh Vương Trần Liễu. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN
 Các đại biểu và du khách thập phương dâng hương tưởng niệm An Sinh Vương Trần Liễu. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Ngày 22/12/2016, Di tích lịch sử và danh thắng quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt này nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, là quần thể gồm 3 di tích thuộc 3 xã của huyện Kinh Môn. Đền Cao An Phụ (xã An Sinh) là nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu-thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ, dãy núi thuộc hệ thống núi vòng cung Đông Triều dài hơn 17km phân bố trên địa bàn 9 xã, có cảnh quan kỳ thú, vị trí đắc địa về mặt quân sự. Động Kính Chủ thuộc xã Phạm Mệnh với hệ thống bia Ma Nhai như một bảo tàng văn bia thu nhỏ suốt 7 thế kỷ và hệ thống hang động thiên tạo kỳ vĩ. Chùa Nhẫm Dương thuộc xã Duy Tân là chốn tổ của thiền phái Tào Động - một trong hai thiền phái thuần Việt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương còn gắn liền với lịch sử các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đặc biệt, di tích khảo cổ Nhẫm Dương nổi tiếng về giá trị khoa học lịch sử khi thông qua khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã phát hiện mật độ di vật dày đặc và quý hiếm như xương động vật, hóa thạch, đồ đá, đồ sắt, đồ gốm, tiền cổ cùng các dấu tích, hiện vật... khẳng định loài người đã định cư liên tục ở vùng Kinh Môn cách đây khoảng 5 vạn năm.
Mạnh Tú 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm