Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang
Các đôi bò bứt phá về đích ở vòng thả. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Các đôi bò bứt phá về đích ở vòng thả. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành thuộc tỉnh An Giang và các đôi bò đến từ các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang; đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên có sự tham gia của các đôi bò đến từ tỉnh Sóc Trăng.

Ông Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, Hội đua bò Bảy Núi năm nay, lần đầu tiên được tổ chức thi đấu tại sân đua bò của huyện Tri Tôn (gần hồ Soài Check) thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là sân đua bò mới được huyện Tri Tôn đầu tư xây dựng với đường đua dài và khán đài rộng, đủ chỗ cho tất cả mọi người dân và du khách gần xa đến xem và cổ vũ cho các đôi bò thi đấu đúng vào dịp lễ Sene Đônta của đồng bào Khmer Nam Bộ - một trong những lễ hội truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer.

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang ảnh 2
Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2019 thu hút hơn 30.000 lượt
du khách đến xem, chụp ảnh và cổ vũ. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang ảnh 3
Các đôi bò bứt phá về đích ở vòng thả. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Hội đua bò năm nay diễn ra trong cả ngày 28/9; buổi sáng diễn ra thi đấu vòng loại, buổi chiều thi đấu vòng chung kết. Ban tổ chức không thu phí vé vào cổng xem các trận thi đấu của hội đua bò, nên Hội đua bò Bảy Núi năm nay đã thu hút trên 30.000 lượt khán giả trong, ngoài tỉnh và cả các tỉnh của nước bạn Campuchia đến xem và cổ vũ cho các đôi bò thi đấu.

Các đôi bò tham gia thi đấu được chủ bò đầu tư chăm sóc theo bí quyết riêng của mình, các “Nài bò” (người điều khiển bò) đã mải mê tập luyện từ nhiều tháng nay để có thể giành được giải thưởng cao nhất. Trước khi bước vào cuộc đua, các chủ bò bốc thăm chọn đôi bò đi trước, đi sau; thông thường đôi đi sau có phần ưu thế hơn; nếu trong khi đua, ở vòng hô, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua, hoặc đôi bò sau dẫm lên giàn bừa (một tấm gỗ rộng 30 cm, dài 90 cm, bên dưới là răng bừa) của đôi bò đi trước sẽ bị loại; nhưng đến vòng thả, đôi bò sau chỉ cần giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển bò phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa trong quá trình đua cũng xem như thua cuộc.

Bước vào tranh tài, hai đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức một vòng hô và một vòng thả (“vòng hô” - là vòng để cho các đôi bò làm quen với sân đua để lấy trớn; “vòng thả”- là khi có hiệu lênh của trọng tài, người điều khiển bò dùng cây xà-lul – là một khúc gỗ tròn vừa tay độ 3 cm, đầu có tra cây đinh nhọn kích vào mông 2 con bò của mình, để đôi bò vận hết sức lực để băng về đích) để chọn đôi bò thắng cuộc vào vòng thi đấu tiếp theo. Đôi bò giành chức vô địch phải tham gia tất cả các vòng thi đấu và loại từng “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp.

Năm nay, giải Nhất Hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ 26 - năm 2019 thuộc về đôi bò mang số đeo 06 của ông Nguyễn Văn Liệt (xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang); giải Nhì thuộc về đôi bò mang số đeo 33 của ông Nguyễn Thành Tài (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang); giải  Ba thuộc về đôi bò có số đeo 26 của ông Huỳnh Văn Tài (huyện huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang); giải Tư thuộc về đôi bò mang số đeo 50 của ông Lê Đức Tài (xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 4 giải khuyến khích cho 4 đôi bò là: đôi bò mang số đeo 10 của ông Lê Văn Bảo (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang); đôi bò mang số đeo 18 của ông Châu Diên  (xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, An Giang); đôi bò mang số đeo 47 của ông Chau Nhơn (xã Vân Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) và đôi bò mang số đeo 64 của ông Châu Chang Ra  (xã Vân Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang).

Ban tổ chức trao giải Nhất cho đôi bò mang số đeo 06 của ông Nguyễn Văn Liệt ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Ban tổ chức trao giải Nhất cho đôi bò mang số đeo 06 của ông Nguyễn Văn Liệt ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Hội đua bò Bảy Núi An Giang hằng năm được tổ chức trùng vào dịp lễ Sene Đônta (lễ cúng ông bà) của người Khmer Nam Bộ, diễn ra vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn mang tính truyền thống của người Khmer tỉnh An Giang nói riêng, vùng Tây Nam Bộ nói chung để biểu lộ lòng tưởng nhớ, biết ơn đối với tổ tiên và công lao của những người đã khuất.

Theo quan niệm của đồng bào vùng Bảy Núi An Giang, đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đôi bò giành được giải cao trong năm được chủ nhân chăm sóc kỹ, để sang năm tham gia đua tiếp, bởi đôi bò giành chiến thắng không những mang lại cho chủ nhân của mình niềm kiêu hãnh mà con mang đến cho cả phum, sóc một niềm vui, một nghị lực để giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực khác, như bò của phum khỏe mạnh có sức dẻo dai, cày bừa tốt, giúp cho người dân thực hiện gieo trồng được dễ dàng, đem lại một mùa bội thu, dân làng no ấm.

Không biết Hội đua bò có từ bao giờ, nhưng theo các vị cao niên vùng Bảy Núi An Giang kể lại, thuở xưa, hàng năm vào mùa cấy nhiều nông dân Khmer từ các phum, sóc dẫn bò đến cày bừa cho thửa ruộng của các chùa Khmer gọi là “bừa công quả”. Cày, bừa xong họ tự thúc bò “bừa đua” xem đôi bò nào nhanh khỏe, các sư, sãi thấy vậy đứng ra tổ chức (kiểu trọng tài), treo thưởng đôi bò nào cày giỏi, chạy nhanh sẽ hưởng phần thắng là dây “Cà tha” (lục lạc đeo cổ bò). Năm sau tiếp tục cày phần đất của chùa và từ đó đua bò Bảy Núi trở thành lễ hội Đua bò truyền thống hàng năm của người dân tộc Khmer tỉnh An Giang, thu hút hàng chục nghìn du khách và người dân trong cả nước đến Tri Tôn xem hội đua bò và thưởng thức cảnh đẹp của vùng đất Tri Tôn huyền bí./.

Công Mạo

BADTMN/TTXVN

Có thể bạn quan tâm