Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018 tại Làng Văn hóa

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018 tại Làng Văn hóa
Đồng bào dân tộc Chăm giới thiệu điệu múa truyền thống đến du khách tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Nam Sương
Đồng bào dân tộc Chăm giới thiệu điệu múa truyền thống đến du khách tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Nam Sương 
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018 có sự tham gia của gần 200 đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên thuộc 15 dân tộc (Tày, Dao, Mông, MườngThái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ-tu, Ê Đê, Khmer, Chăm, Raglai, Xơ Đăng, Ba Na, Sán Dìu) đến từ 13 tỉnh, thành trên cả nước.

Chương trình Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” với Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018 và đánh giá 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tạo điều kiện các cộng đồng dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa gặp gỡ, trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó thống nhất trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc vùng miền tại “Ngôi nhà chung” với không gian của 3 cụm làng gắn liền với các sắc màu văn hóa; giao lưu văn nghệ truyền thống dân tộc; giới thiệu nghề truyền thống của các dân tộc có phần tương tác trình diễn của các nghệ nhân và du khách.
 
Đồng bào các dân tộc cùng vui trong Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc" năm 2017. Ảnh: Nam Sương
Đồng bào các dân tộc cùng vui trong Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc" năm 2017. Ảnh: Nam Sương

Chương trình Sắc màu di sản văn hóa tại “Ngôi nhà chung” sẽ trình diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu (tỉnh Thái Nguyên) – đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cộng nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và  giới thiệu một số nét văn hóa của dân tộc Sán Dìu với các hoạt động diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian.

Tại không gian các Làng dân tộc trong “Ngôi nhà chung” sẽ diễn ra các Ngày hội giao lưu các dân tộc như Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ,  giới thiệu, giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Khmer, Chăm với các dân tộc khác và du khách. Giới thiệu ẩm thực và nghề truyền thống, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer, Chăm. Giới thiệu vẻ đẹp của người con gái Chăm Islam và nét văn hóa Chăm qua chiếc khăn matơna. Giới thiệu văn hóa, du lịch, đặc sản địa phương các tỉnh Tây Nam Bộ (Sóc Trăng, An Giang).

Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên sẽ tổ chức giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian các dân tộc Ê Đê, Cơ Tu, Tà Ôi, Raglai, Xơ Đăng, Ba Na. Tái hiện Lễ thổi tai của đồng bào dân tộc Ba Na (tỉnh Gia Lai). Giới thiệu các loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian “Âm vang núi rừng” của các dân tộc Tây Nguyên, giới thiệu ẩm thực các dân tộc và văn hóa, du lịch, đặc sản địa phương.

Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc tổ chức giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian các dân tộc Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú. Giới thiệu ẩm thực các dân tộc Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú. Trình diễn hoạt động “Khéo tay đan lát” của các chủ thể văn hóa dân tộc phía Bắc và giới thiệu văn hóa, du lịch, đặc sản địa phương…

Đây là hoạt động được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển du lịch tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hoạt động năm nay còn thiết thực chào mừng 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2018) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
         
Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm