Trống đôi - sáng tạo Chăm H’roi

Trống đôi - sáng tạo Chăm H’roi

Nói chuyện bằng trống, cãi nhau cũng bằng trống

 

Hai chàng trai Chăm H’roi So Điền Thanh và So Minh Cư da nâu bóng, thân hình vững rắn, trống đeo trên vai, đứng đối diện nhau, chuẩn bị múa trống. Chiếc trống gỗ nằm ngang trước bụng. Hai người dùng cả hai tay vỗ vào hai mặt trống. Trông cứ như là ôm lấy trống mà múa. Nhún nhảy, lắc lư, đầu nghiêng bên này, ngó bên kia vô cùng sống động, múa theo cái tiết tấu do chính đôi tay họ tạo ra.

 

Âm thanh 2 trống hòa nhau với nhau rất linh hoạt. Trống này ngừng, trống kia đánh, trống này chậm rãi, trống kia dồn dập. Có cảm giác như một cuộc đối thoại, người này hỏi, người kia trả lời. Tiết tấu lúc mau, lúc thưa, khi nhịp nhàng, rồi bỗng dồn dập liên hồi. Nét biểu cảm trên gương mặt hai anh chàng múa trống xem ra rất ăn khớp với tiết tấu, nhịp điệu. Chỉ 2 người với 2 chiếc trống mà làm nên cả không khí sôi động của hội hè.

 

Anh So Điền Thanh dám chắc với tôi rằng, người Chăm H’roi có thể trò chuyện, tâm tình với nhau bằng tiếng trống. Anh nói rằng, “nếu yêu quý nhau âm điệu hai trống hoà quyện, nghe hay, tình cảm. Một khi đã không ưa nhau thì tiếng trống đốp chát, giận dữ như cãi nhau. Múa trống đôi với nhau tức là trò chuyện cùng nhau. Thậm chí, nghe hai người đánh trống đôi với nhau là có thể đoán biết được tình cảm của hai người đối với nhau”.

 

Tôi bị thôi miên trong cả rừng âm thanh dù chỉ có hai đôi tay liên tục vỗ vào 4 mặt trống,  giữa vòng trong vòng ngoài chen chật dân làng. Múa trống đôi không còn lạ gì với bà con.Vậy mà hễ nghe thấy tiếng trống đôi là mọi bước chân trong làng đổ dồn về.

  Trống đôi - sáng tạo Chăm H’roi ảnh 1

Múa trống đôi trong một ngày hội văn hóa ở huyện miền núi Phú Yên - Ảnh: M.M.TÂM

Nếu hai người đang ở trạng thái của tình thương mến thì tiếng trống khoan thai, nhịp nhàng hòa quyện. Còn nếu không bằng lòng nhau, không ưa nhau thì tiếng trống giật cục, đốp chát bành bạch,  bành bạch, một cách giận dữ. Khi đó, đôi tay múa trống cũng không còn hào hứng mà buông bỏ như thể coi thường bạn chơi.  Sự vung mạnh của đôi tay kết hợp với ánh mắt biểu cảm trên gương mặt cau có khiến “đối phương” nản mà bỏ về.

 

Anh So Minh Cư kể, trong làng từng có cặp múa trống đôi với nhau mà “thấu tâm can” của nhau, khiến một người phải buông trống bỏ ra về giữa chừng, mặt hầm hầm giận dữ. Hỏi ra, ông ta buông thõng một câu: “hắn” xem thường tôi quá đáng. Tôi chịu không được!

 

NSUT Vũ Lân, nguyên Trưởng đoàn Ca múa Dân tộc Đắc Lắc, một người đam mê nghiên cứu âm nhạc dân gian nhận xét: “Trống đôi thì nhiều tộc người có. Ví dụ người Cor, người Giẻ nhưng trống đôi thành ra diễn tấu trống rồi đấu trống như người Chăm H’roi không ở đâu có. Chúng ta đến vùng của người Chăm H’roi sẽ bắt gặp cuộc đấu trống, cãi nhau bằng trống, giảng hoà bằng trống rồi vui bằng trống. Thí dụ tôi trong cuộc rượu vui ngày hôm trước có 1 cái điều gì đó mất lòng nhau mà về cả tối tôi không yên được. Sáng sớm hôm sau tôi xách trống  đến nhà ông đó, tôi đứng ở cổng, tôi đánh trống tôi mắng cái ông đó. Thế thì ông kia cũng tỉnh rượu rồi mới nhớ à hôm qua mình lỡ mồm lỡ miệng, ông í xách trống ra đánh trống xoa dịu, giảng hòa. Ông này vẫn còn tức lắm bước vào sân mắng tiếp. Cứ như thế hai cái trống nó đối đáp với nhau. Cuối cùng lên đến sàn rồi thì hòa tấu trống, rồi xách rượu ra uống. Thế là cái mâu thuẫn xích mích được giải tỏa,  giảng hòa. Thế thì cái đấu trống của người Chăm H’roi nó phát triển đến 1 cái độ rất cao và hình như trong cái tiết tấu trống của người Chăm H’roi ta cũng bắt gặp cái tiết tấu trống của cái vùng miền Trung.

Bí quyết không lỗi nhịp

 

Nếu bạn được tận mắt chứng kiến cảnh 2 chàng trai Chăm H’Roi đeo trống trên vai, vừa dùng tay vỗ đập vào 2 mặt trống, vừa nhún nhẩy, tung lên, bật xuống liên hồi, tôi tin là bạn sẽ không thể đứng yên, thể nào bạn cũng sẽ lắc lư muốn bước vào vòng xoang ngày hội  kia thôi.

 

Nghe hai người chơi trống đôi, có thể đoán được những tình cảm mà họ trao cho nhau qua tiếng trống. Hai bạn già gặp nhau, múa trống cùng nhau, thế là chỉ 1 lúc sau là họ đã có thể hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, sức khỏe ra sao, làm ăn được mất như thế nào..Anh So Điền Thanh bảo, người Chăm H’roi không gọi là đánh trống mà chỉ nói là múa trống!

  Trống đôi - sáng tạo Chăm H’roi ảnh 2

Người Chăm H’Roi ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên múa trống đôi. Ảnh: L.MINH

 

Có hòa mình vào màn diễn tấu của họ mới thấy múa trống đôi không hề dễ. Trống nặng đã đành, tay lại phải liên tục múa, đập mạnh bàn tay vào mặt trống, toàn thân nhún nhảy liên hồi, tung lên, bật xuống, nói tóm lại là rất tốn sức. Cho nên người múa phải có sức khoẻ thì đối thoại mới sôi nổi. Chơi bập bẹ thì có nhiều người biết nhưng để đạt được trình độ múa trống thì trong làng Hà Rai, xã Xuân Lãnh chỉ có vài người. Cặp múa trống So Điền Thanh – So Minh Cư là tiêu biểu, từng giật nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan văn nghệ. Cứ như lời anh So Điền Thanh thì múa trống như thế này là đã ở tầm “nghệ thuật”.

 

Trống đôi hoàn toàn chơi theo ngẫu hứng. Nhịp điệu biến tấu, lúc thì nhẹ nhàng như lời tâm sự, lúc hưng phấn, sôi nổi tột độ tùy theo tâm trạng hứng khởi hay không của người múa. Bởi vậy, những người chơi trống  đôi như anh So Điền Thanh, So Minh Cư phải có khả năng cảm nhận tinh tế mà hòa âm. Múa trống đôi hay, hấp dẫn nhất là khi  hai người chơi thân với nhau, tâm đầu ý hợp thì mới có thể giữ cho cuộc vui trọn vẹn. Và quan trọng là phải lựa nhau để tiếng trống ăn nhập, không bị lỗi nhịp. Phải biết chờ nhau, nhân nhượng nhau, tạo nên âm điệu nhịp nhàng. Thậm chí ngoài đời họ còn là bạn chí cốt của nhau, rất thân nhau.

Sau chừng 3 phút nhún nhảy, lúc lắc múa trống đôi, hai chàng trai So Điền Thanh và So Minh Cư, mồ hôi đầm vai áo, thở hổn hển, nhưng nở nụ cười tươi rói trong tiếng vỗ  tay cổ vũ của đám con gái mặt ửng hồng như trái táo chín…

Lễ hội lớn không thể thiếu hòa tấu cồng 3, chinh 5 và trống đôi

 

Trống đôi của người Chăm H’roi ở Phú Yên  thường được đem ra thi tài giữa các trai  làng với nhau như là môn thể thao nghệ thuật,  như là vui văn nghệ. Đặc biệt là trống đôi còn được sử dụng trong các lễ hội và ngày vui của buôn làng. Khi đó, không thể thiếu nhạc cụ cồng 3, chinh 5. Bộ ba: Cồng 3, chinh 5, trống đôi luôn xuất hiện cùng nhau khi làng có lễ lớn. Đó là phong tục. .

 

Làng có lễ Pôk Ai, hay lễ hội đâm trâu – hội lớn thì dứt khoát bộ ba này phải có mặt. Anh So Điền Thanh còn cho biết, thậm chí nhà giàu làm đám cưới cũng “huy động” dàn nhạc này. Trống đôi hoà tấu cùng chinh 5, cồng 3, tạo nên không khí ngày hội rất đặc trưng của đồng bào Chăm H’roi. Khi đó, tiếng trống hoà quyện với tiếng cồng, chiêng.

 

Với vai trò chủ đạo, trống đôi làm nhạc nền cho phần hội. Trống đôi, chinh 5, cồng 3 là 1 bộ hoà thanh đồng điệu cuốn hút cuộc hội đông vui đến nức lòng, trong đó trống đôi gây ấn tượng mạnh nhất. Mỗi nhạc cụ có điệu thức riêng. Chinh 5 có giai điệu thanh thoát, vang xa, cồng 3 thì đi bè trầm sâu lắng. Hai loại nhạc cụ này nghe lâu sẽ trở nên đơn điệu, dễ bị nhàm chán. Thành ra sự góp mặt của trống đôi trở thành một “họat náo viên”. Nó khiến cho người đi hội thêm phần hứng khởi. Anh So Điền Thanh, ở xã Xuân Lãnh tự hào nói rằng, “trống đôi là nhạc cụ hay nhất của người Chăm H’roi mình và hòa tấu trống đôi với cồng chiêng là rất độc đáo”.

 

Âm thanh hoà tấu trống đôi cùng với chinh 5, cồng 3, tạo không khí sôi động cho lễ hội. Xưa, cồng chiêng  được coi là phương tiện để người Chăm H’roi giao tiếp với thần linh. Nay, trong các sinh họat cộng đồng, vui chơi ca hát, múa trống, đánh chiêng cũng là tiết mục không thể thiếu.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm