Trao danh hiệu vinh dự Nhà nước tặng 14 Nghệ nhân Ưu tú

Trao danh hiệu vinh dự Nhà nước tặng 14 Nghệ nhân Ưu tú
Danh hiệu vinh dự "Nghệ nhân Ưu tú" là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng các nghệ nhân tiêu biểu, có lòng yêu nước, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc và có những cống hiến to lớn trong việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

14 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" của tỉnh Ninh Thuận lần này chủ yếu hoạt động trong các loại hình nghệ thuật – văn hóa, gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian; tri thức dân gian; tập quán, xã hội và tín ngưỡng dân gian; tiếng nói và chữ viết. Các nghệ nhân được phong tặng là những người tận tâm, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, kính trọng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho nghệ nhân Mẫu Thị Bích Phanh, người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực tiếng nói và chữ viết dân tộc Raglai. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho nghệ nhân Mẫu Thị Bích Phanh, người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực tiếng nói và chữ viết dân tộc Raglai. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Là một trong 14 nghệ nhân được nhận danh hiệu, bà Mẫu Thị Bích Phanh (sinh năm 1948, dân tộc Raglai) được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực tiếng nói và chữ viết, bày tỏ sự hạnh phúc, cảm ơn Nhà nước đã quan tâm, ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân. Nghệ nhân Bích Phanh khẳng định còn sức khỏe, sẽ tiếp tục truyền dạy, động viên, khích lệ thế hệ trẻ tích cực học tập tiếng nói, chữ viết dân tộc Raglai, phục vụ công tác, gìn giữ, phát huy vốn văn hóa quý báu của dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình khẳng định, Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân Ưu tú" là sự ghi nhận tài năng, tôn vinh công lao đóng góp của các nghệ nhân đối với sự nghiệp gìn giữ, phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay, tác động của nhiều yếu tố khiến không ít các giá trị văn hóa bị mai một, thất truyền. Do đó, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Bình mong muốn các nghệ nhân tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ sau, nhất là thế hệ trẻ kế thừa những kiến thức, kỹ năng mà nghệ nhân đang nắm giữ, góp phần bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Ninh Thuận luôn quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Đến nay, hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được nhận diện, đánh giá và bảo tồn. Hàng năm, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được tu bổ, tôn tạo; nhiều lễ hội dân gian được phục dựng. Lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian và các hoạt động diễn xướng dân gian được quan tâm phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp với các nghệ nhân thực hiện tốt công tác nghiên cứu, bảo tồn, giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống, thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, du lịch văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người biết đến di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận trao Giấy khen tặng 14 gia đình, 10 cá nhân, 2 tập thể tiêu biểu đã có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa; phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm