Tính tẩu trong cuộc sống, tâm thức người Thái trắng ở Điện Biên

Nghệ nhân Mào Văn Ết - người nặng lòng với cây đàn Tính tẩu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Nghệ nhân Mào Văn Ết - người nặng lòng với cây đàn Tính tẩu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Tính tẩu (Tính tảu), dịch nghĩa theo tiếng Tày - Thái là đàn bầu, thuộc họ dây, chi gảy, nhạc cụ được các nhóm dân tộc nói tiếng Tày - Thái sử dụng. Riêng với người Thái ở Tây Bắc, tính tẩu phổ biến chủ yếu ở vùng Thái trắng, là loại nhạc cụ mang tâm hồn, tính cách cộng đồng dân tộc này. 
Nghệ nhân Mào Văn Ết - người nặng lòng với cây đàn Tính tẩu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Nghệ nhân Mào Văn Ết - người nặng lòng với cây đàn Tính tẩu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Tính tẩu gắn kết với đồng bào Thái trắng trong các lễ hội cầu mưa, cầu mùa, hát Hạn khuống, Kin Pang Then, Xên bản, Xên mường... và hiện diện trong hoạt động văn hóa dịp Xuân về. Trong tín ngưỡng dân gian, Tính tẩu như sợi dây tâm linh vô hình nối giữa cõi thực với cõi tiên.

Về sự tích cây đàn Tính tẩu: Xưa kia, tại khu vực suối Nậm Lùm ở Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu) có một khối đá to bằng ba cái nhà sàn, người dân gọi là “hin bát”. Một trận đại hồng thủy xảy ra cuốn trôi vạn vật, “hin bát” bị cuốn trôi ra sông Nậm Na, xuôi đến tận đất Mường Lay (Điện Biên). Dấu tích còn lại ở Mường So là một cái vũng lớn (vặng luông), nay gọi là Búng Bát. Tại ngã ba sông Đà và sông Nậm Na, “hin bát” là hòn đảo nhỏ, cây cối, lau sậy um tùm. Có chàng trai người Thái trắng mồ côi đã chọn “hin bát” để dựng lều ở. Một lần đi quăng chài, chàng trai vớt được quả bầu, rồi lấy phần dưới của quả bầu tra thêm chiếc cán để làm gáo múc nước. Đêm về, chàng ngoắc chài lên móc, nơi có treo cái gáo múc nước. Côn trùng bay qua, bay lại chạm phải dây chài rồi hợp cùng với chiếc gáo bầu tạo ra những âm thanh lạ. Bất chợt, chàng nghĩ phải làm một đồ vật để thay người bạn tâm tình, khuây khỏa nỗi buồn. Rồi chàng đem cái gáo bầu căng mấy sợi dây chài dọc chiếc cán gỗ, gẩy thử thì vang lên âm thanh hấp dẫn. Chàng nghĩ ngay đến việc đem nó đánh thức người mình yêu để tâm tình, nhưng tiếng đàn chẳng đủ vang, chẳng đủ hay để nàng thức dậy... Rồi nghe người già trong bản, chàng làm một cây đàn khác, có âm thanh khi trầm khi bổng, làm đắm say lòng người và gọi được người chàng thầm yêu lách cửa, xuống sàn cùng tâm tình.

Bà Trần Minh Thư, nguyên Trưởng phòng Di sản - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Người Thái trắng coi Tính tẩu là loại nhạc cụ truyền thống đặc sắc nhất của họ. Trong cuộc sống, họ dùng tiếng đàn để tỏ tình, tâm sự nỗi lòng và để đệm hát giao duyên. Trong lễ hội tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là nghi lễ Then, Tính tẩu dùng để thể hiện các làn điệu hát Then (khắp then), hát thơ (khắp xư) cùng với "pí một lao" (hát cúng các vị thần linh trên trời), người hát là thầy Then, thầy mo, thầy cúng nên trong quan niệm của người Thái, tiếng đàn trở thành linh thiêng, "vật thiêng" trời ban.

Cấu tạo Tính tẩu khá đơn giản, được chế tạo bằng nguyên liệu sẵn có ở địa phương: Cần đàn làm bằng gỗ nhẹ, mềm, chiều dài thường là 9 nắm tay (75-90 cm) của người chơi đàn để hợp với cỡ giọng. Bầu đàn làm bằng phần dưới vỏ quả bầu nậm, đường kính khoảng 15-20cm, bầu đàn phải có độ tròn, dày đều.

Trước đây, mặt đàn được làm bằng gỗ quế, xé mỏng chừng 3mm, bào nhẵn, tránh không có sẹo (mắt) gỗ, để âm thanh lan truyền đều. Dây đàn, trước kia được se bằng sợi tơ tằm rồi vuốt sáp ong đen hay nhựa khoai lang, nay dùng bằng sợi dây ni-lon, cước. Ngựa đàn là một mảnh tre có cắt khấc để sợi dây đàn lọt xuống, nằm cố định.

Tính tẩu có 2 loại: 2 dây và 3 dây, trong đó loại 3 dây thường dùng trong các nghi lễ Then, loại 2 dây thường dùng cho đệm hát, múa. Tính tẩu dùng cho hát Then gọi là tính Then, thường có bầu đàn to hơn, đường kính từ 20-25cm, dây đàn to sợi hơn nên tiếng đàn trầm và ấm. Cần đàn không có phím, ngựa đàn thấp, dây đàn không quá căng.

Để làm ra một cây đàn Tính phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp như: Chọn bầu, làm cần, mặt đàn và chọn dây đàn. Công đoạn chọn bầu đàn là quan trọng nhất, bởi bầu đàn quyết định âm thanh, độ trầm, bổng. Ngoài việc làm bầu đàn bằng quả bầu già, khô, phải đặc biệt lưu ý thời gian chặt gỗ làm cần đàn vào ngày cuối tháng mới không có mọt khoét. Muốn đàn có độ bền cao, dùng lâu, không bị cong vênh cần lựa chọn những cây gỗ già, mịn, ít vân, mắt. Mặt đàn xẻ mỏng khoảng 3mm, trên mặt đàn có khoét hai lỗ hình hoa thị để thoát âm.

Trước khi lắp dây đàn, phải lắp ngựa đàn (miếng gỗ nhỏ đặt chính giữa gắn sát mặt đàn) và tai đàn (dùng để căng, chỉnh dây đàn). Sau khi hoàn thành khung cây đàn sẽ đánh dầu bóng để tạo màu, độ bóng cho cây đàn rồi phơi thật khô. Ở phần mỏ đàn, thường chạm trổ, đục đẽo các hình thù ấn tượng... nhưng điển hình nhất vẫn là hình móc câu. Công đoạn lắp dây đàn đòi hỏi người làm đàn giỏi không chỉ cần đôi tay khéo léo mà còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, kinh nghiệm chơi đàn, thẩm âm giỏi.

Bà Trần Minh Thư cho biết thêm: “Tính tẩu của người Tày - Nùng vùng Đông Bắc có 3 dây, người Thái trắng vùng Tây Bắc có cả 2 dây và 3 dây. Tính tẩu của người Thái trắng vùng Tây Bắc còn có điểm khác là mỏ đàn được cách điệu thành hình chiếc đuôi con gà trống”.

Nghệ nhân Mào Văn Ết, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Gà trống là “vật tổ” của người Thái trắng vùng Tây Bắc, hình dáng cây đàn Tính tẩu của người Thái vùng Tây Bắc cũng mang biểu tượng con gà trống. Sau hàng chục năm nghiên cứu, ông mới phát hiện, cắt nghĩa, “giải mã” được “thông điệp” mang triết lý nhân sinh này.

Theo nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Tính tẩu có 3 cấp độ: Cấp thứ nhất là tính “khắp”, bao gồm những phần đệm cho hát; giai điệu của loại này thường tông theo giai điệu hát hoặc nương theo giọng hát để biến hóa. Đặc biệt vào những phần ngắt hay ngân dài, ngưng nghỉ của người hát mà người đàn thêm những luyến láy. Thứ hai là tính “xé”, bao gồm các bài nhạc đệm cho múa, là các bài có nhịp, phách ổn định, cấu trúc, giai điệu cố định. Tuy nhiên, trong âm nhạc dân gian Thái, nhiều điệu múa có kèm theo hát nên ngón đàn người chơi tính "xé" không đơn giản là đánh đúng nhịp, đúng âm, mà còn phải sáng tạo. Cấp thứ ba là tính “tói”, bao gồm những bài mang tính độc tấu, giai điệu ở dạng mô hình, người chơi đàn được quyền sử dụng mô hình với những thêm thắt, luyến láy theo cảm hứng, trổ những ngón đàn khó, tạo âm bồi, nhanh, thậm chí lướt trên phím với tiết tấu phức tạp. Người chơi đạt cấp độ 3 được nhân dân tôn là thầy đàn (sáy tính).

Trải qua thời gian, ngày nay, tại tỉnh Điện Biên, Tính tẩu vẫn còn được bảo lưu, trao truyền phổ biến nhưng đậm đặc nhất là ở các “tiểu vùng” tập trung đông đồng bào Thái trắng như: Mường Báng (huyện Tủa Chùa); xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé); các xã dọc sông Đà như Sín Chải, Tủa Thàng… Đặc biệt tại thị xã Mường Lay - một trong những cái nôi của người Thái trắng Tây Bắc, ở đây Tính tẩu được gìn giữ bởi phần lớn là các ông Mo, bà Mo và được dùng ở các dịp lễ hội hay trong lễ tục vòng đời.
        Hải An - Phan Tuấn Anh
(TTXVN)
Dân tộc Thái Dân tộc Thái

Tên tự gọi: Tay hoặc Thay

Tên gọi khác: Tay Thanh, Man Thanh, Tay Mười, Tày Mường, Hàng Tổng, Tay Dọ, Thổ.

Nhóm địa phương: Ngành Ðen (Tay Ðăm), Ngành trắng (Tay Ðón hoặc Khao).

Dân số: 1.550.423 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).

Lịch sử: Người Thái có cội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm.

Hoạt động sản xuất: Người Thái sớm đi vào nghề trồng lúa nước trong hệ thống thuỷ lợi thích hợp được đúc kế như một thành ngữ - "mương, phai, lái, lịn" (khơi mương, đắp đập, dẫn nước qua vật chướng ngại, đặt máng) trên các cánh đồng thung lũng. Họ làm ruộng cấy một vụ lúa nếp, nay chuyển sang 2 vụ lúa tẻ. Họ còn làm nương để trồng thêm lúa, ngô, hoa màu, cây thực phẩm và đặc biệt bông, cây thuốc nhuộm, dâu tằm để dệt vải.

Cót xát rất phổ biến ở vùng người Thái, dùng để trải trên sàn trước khi xếp chiếu phục tay và các tấm đệm ngủ lên trên. Cót được đan bằng cây mạy loi, một loại cây thuộc loài tre, nứa mọc trên núi đá vôi cao.

Ăn: Ngày nay gạo tẻ đã trở thành lương thực chính, gạo nếp vẫn được coi là lương ăn truyền thống. Gạo nếp ngâm, bỏ vào chõ, đặt lên bếp, đồ thành xôi. Trên mâm ăn không thể thiếu được món ớt giã hoà muối, tỏi, có rau thơm, mùi, lá hành... có thể thêm gan gà luộc chín, ruột cá, cá nướng... gọi chung là chéo. Hễ có thịt các con vật ăn cỏ thuộc loài nhai lại thì buộc phải có nước nhúng lấy từ lòng non (nặm pịa). Thịt cá ăn tươi thì làm món nộm, nhúng (lạp, cỏi), ướp muối, thính làm mắm; ăn chín, thích hợp nhất phải kể đến các món chế biến từ cách nướng, lùi, đồ, sấy, sau đó mới đến canh, xào, rang, luộc...

Họ ưa thức ăn có các vị: cay, chua, đắng, chát, bùi, ít dùng các món ngọt, lợ, đậm, nồng... hay uống rượu cần, cất rượu. Người Thái hút thuốc lào bằng điếu ống tre, nứa và chạm bằng mảnh đóm tre ngâm, khô nỏ. Người Thái Trắng trước khi hút còn có lệ mời người xung quanh như trước khi ăn.

Mặc: Cô gái Thái đẹp nhờ mặc áo cánh ngắn, đủ màu sắc, đính khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu... chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với chiếc váy vải màu thâm, hình ống; thắt eo bằng dải lụa màu xanh lá cây; đeo dây xà tích bạc ở bên hông. Ngày lễ có thể vận thêm áo dài đen, xẻ nách, hoặc kiểu chui đầu, hở ngực có hàng khuy bướm của áo cánh, chiết eo, vai phồng, đính vải trang trí ở nách, và đối vai ở phía trước như của Thái Trắng. Nữ Thái Ðen đội khăn piêu nổi tiếng trong các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ. Nam người Thái mặc quần cắt để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt, áo người Thái Trắng có thêm một túi ở ngực trái; cài khuy tết bằng dây vải. Màu quần áo phổ biến là đen, có thể màu gạch non, hoa kẻ sọc hoặc trắng. Ngày lễ mặc áo đen dài, xẻ nách, bên trong có một lần áo trắng, tương tự để mặc lót. Bình thường cuốn khăn đen theo kiểu mỏ rìu. Khi vào lễ cuốn dải khăn dài một sải tay.

: Ở nhà sàn, dáng vẻ khác nhau: nhà mái tròn khum hình mai rùa, hai đầu mai rùa, hai đầu mái hồi có khau cút; nhà 4 mái mặt bằng sàn hình chữ nhật gần vuông, hiên có lan can; nhà sàn dài, cao, mỗi gian hồi làm tiền sảnh; nhà mái thấp, hẹp lòng, gần giống nhà người Mường.

Phương tiện vận chuyển: Gánh là phổ biến, ngoài ra gùi theo kiểu chằng dây đeo vắt qua trán, dùng ngựa cưỡi, thồ nay. ở dọc các con sông lớn họ rất nổi tiếng trong việc xuôi ngược bằng thuyền đuôi én.

Quan hệ xã hội: Cơ cấu xã hội cổ truyền được gọi là bản mường hay theo chế độ phìa tạo Tông tộc Thái gọi là Ðằm. Mỗi người có 3 quan hệ dòng họ trọng yếu: Ải Noong (tất cả các thành viên nam sinh ra từ một ông tổ bốn đời). Lung Ta (tất cả các thành viên nam thuộc họ vợ của các thế hệ). Nhinh Xao (tất cả các thành viên nam thuộc họ người đến làm rể). (tất cả các thành viên nam sinh ra từ một ông tổ bốn đời). Lung Ta (tất cả các thành viên nam thuộc họ vợ của các thế hệ). Nhinh Xao (tất cả các thành viên nam thuộc họ người đến làm rể).

Cưới xin: Trước kia người Thái theo chế độ hôn nhân mua bán và ở rể nên việc lấy vợ và lấy chồng phải qua nhiều bước, trong đó có 2 bước cơ bản:

Cưới lên (đong khửn) - đưa rể đến cư trú nhà vợ - là bước thử thách phẩm giá, lao động của chàng rể. Người Thái Ðen có tục búi tóc ngược lên đỉnh đầu cho người vợ ngay sau lễ cưới này. Tục ở rể từ 8 đến 12 năm.

Cưới xuống (đong lông) đưa gia đình trở về với họ cha.

Sinh đẻ: Phụ nữ đẻ theo tư thế ngồi, nhau bỏ vào ống tre đem treo trên cành cây ở rừng. Sản phụ được sưởi lửa, ăn cơm lam và kiêng khem một tháng; ống lam bó đem treo trên cành cây. Có nghi thức dạy trẻ lao động theo giới và mời Lung Ta đến đặt tên chi cháu.

Ma chay: Lễ tang có 2 bước cơ bản:

Pông: Phúng viếng tiễn đưa hồn người chết lên cõi hư vô, đưa thi thể ra rừng chôn (Thái Trắng), thiếu (Thái Ðen).

Xống: gọi ma trở về ngụ ở gian thờ cúng tổ tiên ở trong nhà.

Nhà mới: Dẫn chủ nhân lên nhận nhà Lung Ta châm lửa đốt củi ở bếp mới. Người ta thực hiện tại nghi lễ, cúng đọc bài mo xua đuổi điều ác thu điều lành, cúng tổ tiên, vui chơi.

Lễ tết: Cúng tổ tiên ở người Thái Ðen vào tháng 7, 8 âm lịch. Người Thái Trắng ăn tết theo âm lịch. Bản Mường có cúng thần đất, núi, nước và linh hồn người làm trụ cột.

Lịch: Theo hệ can chi như âm lịch. Lịch của người Thái Ðen chênh với âm lịch 6 tháng.

Học: Người Thái có mẫu tự theo hệ Sanscrit. Họ học theo lệ truyền khẩu. Người Thái có nhiều tác phẩm cổ viết về lịch sử, phong tục, luật tục và văn học.

Văn nghệ: Người Thái có các điệu xoè, các loại sáo lam và tiêu, có hát thơ, đối đáp giao duyên phong phú.

Chơi: Trò chơi của người Thái phổ biến là ném còn, kéo co, đua ngựa, dạo thuyền, bắn nỏ, múa xoè, chơi quay và quả mák lẹ. Nhiều trò chơi cho trẻ em.

Mỗi nhà người Thái thường có hai bếp, một bếp để tiếp khách, sưởi ấm, một bếp khác để nấu cơm. Chõ xôi (ninh đồng, chõ gỗ) được đặt trên 3 ông đầu rau bằng đá. Phía trên bếp có giàn để các thức cần sấy khô. Người Thái thường dùng ghế mây tròn để ngồi quanh bếp.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm