Thủy chung với nghề dệt thổ cẩm

Thủy chung với nghề dệt thổ cẩm
Bà H’Biăm H’đơk là một trong số những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm. Yêu khung dệt và cần mẫn với nghề từ thuở mười tám đôi mươi, đến bây giờ bà đã ngoài 70 tuổi, mắt đã mờ đi nhiều, lưng cũng đã còng, bước đi chậm hơn trước, song đôi bàn tay hằng ngày vẫn thoăn thoắt với từng khung dệt. Sự khéo léo của đôi bàn tay, tính cần cù, chịu khó đã giúp bà tạo nên những chiếc túi, cái khăn, bộ áo khố mang nét đặc trưng riêng biệt của văn hóa dân tộc Êđê, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình bà trong mấy chục năm qua. Nhớ lại những ngày đầu theo mẹ học dệt, bà gặp nhiều khó khăn, không chỉ bởi việc giăng sợi, tạo mẫu mã hoa văn mà còn phải trồng cây bông để lấy sợi rồi lấy vỏ cây rừng nhuộm màu, khung dệt thì phải tự đẽo lấy chứ không phải thứ gì cũng có sẵn như hiện nay. Dù thế, bằng sự kiên trì, bà H’Biăm vẫn kiên trì học để dệt cho mình những cái túi, chiếc khăn để khoe cùng chúng bạn. Niềm đam mê lớn dần, sau khi lập gia đình, bà lại sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm nuôi 5 người con khôn lớn. Theo bà H’Biăm, để dệt một cái túi cũng phải mất thời gian 3 ngày, tiền mua vật liệu khoảng 100 nghìn đồng, nhưng khi bán chỉ được 200 nghìn đồng; hay như để dệt chiếc khăn trải bàn thì người nào làm nhanh cũng phải 4-5 ngày, sau khi trừ chi phí mua sợi dệt thì chỉ lãi được trên 200 nghìn đồng… Tính ra thu nhập chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra, dù vậy bà vẫn gắn bó với nghề, bởi đó không chỉ là miếng cơm, manh áo mà còn là giá trị văn hóa truyền thống từ đời trước để lại, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Êđê.

Amí San đang hoàn thiện tấm khăn thổ cẩm để giao cho khách hàng.
Amí San đang hoàn thiện tấm khăn thổ cẩm để giao cho khách hàng.

Cũng là người gắn bó và yêu nghề dệt thổ cẩm, mặc dù là một giáo viên tiểu học, thế nhưng sau mỗi giờ lên lớp, Amí San lại say sưa dệt những chiếc khăn, túi, áo... Hơn 2 năm nay, sau khi nghỉ hưu bà có thêm thời gian để thỏa niềm đam mê với nghề. Mỗi ngày, sau khi dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho chồng và hai người con, Amí San lại ngồi vào khung dệt. Với bà, nghề dệt đã ăn sâu vào tiềm thức, nếp sống. Bây giờ, dù việc dệt thổ cẩm đã đơn giản hơn trước vì chỉ cần mua sợi đã được nhuộm màu công nghiệp, thế nhưng, để tạo nên một tấm khăn bà cũng phải mất gần 10 ngày cặm cụi bên khung dệt. Đặc biệt, phải kết hợp một cách khéo léo, tỉ mỉ các sợi chỉ có màu  sắc khác nhau, từ hàng dọc đến hàng ngang. Hiện nay, hoa văn trên thổ cẩm cũng khá đa dạng, đó không chỉ là hình ảnh cách điệu của ngọn núi, dòng sông, muông thú, cỏ cây hoa lá mà còn đến những chữ cái, con số, tên người, địa danh… tất cả đều gần gũi, thân thuộc với đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng.

Bà H’Biăm H’đơk đang dệt những chiếc túi theo đơn đặt hàng.
Bà H’Biăm H’đơk đang dệt những chiếc túi theo đơn đặt hàng.

Không muốn nghề dệt thổ cẩm mai một theo thời gian, trong khi thế hệ trẻ mải mưu sinh, không mấy mặn mà với dệt thổ cẩm thì bà H’Biăm vẫn răn dạy và truyền nghề cho 2 người con gái của mình, trong đó có một người đang theo nghề dệt là chị H’Pơr. Hiện nay, hằng ngày hai mẹ con bà vẫn nhận các đơn hàng mà chủ yếu là đặt làm túi xách và khăn trải bàn để kiếm tiền chi tiêu cho cuộc sống. Những lúc rảnh rỗi, bà H’Biăm lại dạy nghề cho các cháu gái để lưu giữ truyền thống của gia đình cũng như của dân tộc. Còn Amí San bày tỏ tiếc nuối là nhà không có con gái để truyền nghề, trong khi đó, ở buôn Alê A hiện có rất ít cô gái trẻ biết đến nghề dệt, gắn bó với nghề lại càng khó hơn.

Đó cũng là điều trăn trở của bà H’Biăm và Amí San về mong muốn giữ một phần sắc màu văn hóa của dân tộc mình cho con cháu mai sau.
Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm