Thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn

Thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các sở, đơn vị có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Hán Nôm, văn hóa Phật giáo, lịch sử và quy hoạch, quản lý di sản văn hóa, Viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam.
 
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thông tin qua các tham luận, nghiên cứu chuyên sâu về di sản văn hóa Phật giáo Ngũ Hành Sơn nói chung và về thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn nói riêng của Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn với các chủ đề: Tổng quan Di sản văn hóa Phật giáo Ngũ Hành Sơn, lịch sử hình thành phát triển, các danh lam cổ tự, pháp tượng, pháp khí, thư tịch cổ, bia ký Phật giáo và hệ thống bia ma nhai Ngũ Hành Sơn; Giới thiệu nội dung thư tịch cổ “Ngũ Hành Sơn lục”; Ngự chế thi của Hoàng đế Minh Mạng về Ngũ Hành Sơn; Nội dung các bia ký Phật giáo tại ngọn Thủy Sơn…
Nhà nghiên cứu Phan Đăng trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
 Nhà nghiên cứu Phan Đăng trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cho biết, tọa đàm nhằm nhận diện, đánh giá một cách hệ thống và khoa học về di sản văn hóa tư liệu tại Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn và để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đồng thời, tiến đến đề nghị Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa vào Danh mục ký ức quốc gia và trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới. Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm ở phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng. Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn./.
Trần Lê Lâm 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm