Thành cổ Quảng Trị trong lòng người dân cả nước

Thành cổ Quảng Trị trong lòng người dân cả nước

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây/… Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”. Trong những ngày tháng 7 lịch sử khi cả nước đang hướng về kỉ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, Thành cổ Quảng Trị những ngày này tấp nập hơn bình thường. Những đoàn khách nườm nượp đến viếng, dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Khu di tích Thành cổ Quảng Trị hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến thăm viếng tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Ảnh: TTXVN
Khu di tích Thành cổ Quảng Trị  hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến thăm viếng tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Ảnh: TTXVN

Đến với Thành cổ là đến với cội nguồn, tri ân sâu sắc những thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Thành cổ Quảng Trị có vị trí đặc biệt quan trọng trong lòng người dân Quảng Trị và người dân trên khắp mọi miền đất nước. Những giọt nước mắt của những người mẹ, người vợ, người con và đồng đội vẫn lặng lẽ rơi. Thành cổ hôm nay bầu trời trong xanh là vậy nhưng có ai biết rằng dưới mỗi gốc cây, nhành cỏ đều thấm đẫm máu thịt của những người lính mười tám, đôi mươi mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất này. Chỉ với hành trang đơn giản là một chiếc ba lô, một cây súng và một đôi dép cao su, các anh đã làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. 

Là một cựu chiến binh từng tham gia trong trận chiến 81 ngày đêm đỏ lửa tại Thành cổ Quảng Trị, tâm sự với chúng tôi, ông Đinh Văn Lành, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, vẫn không cầm được nước mắt khi nhớ về quá khứ và đồng đội: "Trong những ngày tháng ác liệt ấy, mỗi người lính chúng tôi trong mình đều mang một quyết tâm duy nhất “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Trong khói lửa, đạn bom, tình yêu quê hương, đất nước, lý tưởng về ngày mai chiến thắng Mỹ-Ngụy, đất nước sẽ độc lập tự do, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, niềm tin với Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Chiến tranh qua đi, rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất này. Hằng năm, chúng tôi vẫn thường xuyên vào Thành cổ Quảng Trị để thắp hương cho đồng đội và nhớ về những năm tháng chiến đấu ác liệt ấy. Mỗi lần vào đây là mỗi lần chúng tôi không ngừng xúc động…"

Nước mắt những người lính già vẫn rơi trong hòa bình, bởi đồng đội của các ông vẫn nằm lại đâu đó trên mảnh đất này. Từng dòng suối, con sông, gốc cây hay bụi cỏ ở nơi đây đều có máu, xương của những người đồng đội một thời kề vai chiến đấu, sinh tử có nhau. Có vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa cách mạng và phản cách mạng, bởi vậy thị xã Quảng Trị dù chỉ rộng hơn 3km2, nhưng lượng bom đạn mà Mỹ thả xuống đây trong 81 ngày đêm là hơn 328.000 tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945. Trong gian khổ, ác liệt ấy, những người lính trẻ vẫn kiên cường chiến đấu với một lý tưởng cách mạng kiên trung. 

Chiến tranh qua đi, Khu di tích Thành cổ Quảng Trị bị bom đạn tàn phá chỉ còn lại gạch vụn, xơ xác tiêu điều, nơi đây được ví như một ngôi mộ tập thể. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị đã được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng. Những ngày tháng Bẩy này, Thành cổ Quảng Trị trở thành địa chỉ tâm linh mà mỗi người đến đây đều mang trong lòng một tâm nguyện được thắp nén nhang thơm trước tượng đài để tri ân các Anh hùng liệt sỹ. 

Anh Nguyễn Trần Hoàn (27 tuổi), đoàn thanh niên Công ty cổ phần Việt - Lào đóng tại khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: "Được dâng hương và tìm hiểu về lịch sử chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ, tôi cảm thấy rất tự hào về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà các thế hệ cha ông đã chiến đấu để chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Mỗi năm cứ vào tháng 7 tôi cùng gia đình và bạn bè lại sắp xếp công việc để đến đây thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Dù đây là lần thứ 5 đến dâng hương tại Thành cổ, nhưng tôi vẫn cảm thấy xúc động như lần đầu tiên. Là một thanh niên, tôi nguyện sẽ cống hiến sức trẻ của mình để góp một phần nhỏ trong sự phát triển của đất nước và dân tộc, để xứng đáng với công ơn của thế hệ cha ông đi trước…"

Đoàn thanh niên Việt Kiều thắp hương tưởng nhớ, rei ân các anh hùng, liệt sỹ tại Khu di tích Thành cổ Quảng Trị.. Ảnh: TTXVN
Đoàn thanh niên Việt Kiều thắp hương tưởng nhớ, rei ân các anh hùng, liệt sỹ tại Khu di tích Thành cổ Quảng Trị.. Ảnh: TTXVN

Để làm tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn du khách đến thăm viếng, Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị đã sắp xếp kế hoạch, phân công, bố trí các nhân viên hướng dẫn du khách tận tình, chu đáo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thăm viếng của mọi người. Ban quản lý đã tổ chức các đoàn theo thứ tự, đăng ký và bố trí sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo rằng tất cả các đoàn đều được dâng hương, dâng hoa cũng như nghe hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Nhờ đó, công tác tổ chức đón tiếp, hướng dẫn các đoàn khách đến tham quan đều được đảm bảo chu đáo và thật sự để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người khi đến với Thành cổ Quảng Trị. Từ đầu năm đến nay, khu di tích Thành cổ Quảng Trị đón gần 90.000 lượt khách trong và ngoài nước, chỉ riêng trong tháng 7, mỗi ngày trung bình khu di tích đón trên 100 đoàn với khoảng 1.000-1.500 lượt khách. 

Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng ban quản lý Khu di tích Thành cổ Quảng Trị cho biết: Vào mỗi dịp tháng 7 tri ân hằng năm, với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn của dân tộc” nhân dân cả nước đều hướng về Thành cổ Quảng Trị, với tâm nguyện đến thắp một nén hương thơm tri ân các liệt sỹ đã hy sinh vì quê hương đất nước. Để công tác đón tiếp diễn ra chu đáo, Ban quản lý di tích mở cửa đón khách từ 6 giờ sáng đến chiều tối, với phương châm còn khách còn phục vụ; huy động 100% cán bộ, nhân viên tập trung vào công việc phục vụ, đón tiếp. Nhờ vậy, mỗi du khách khi đến với Thành cổ Quảng Trị đều lưu lại những ấn tượng tốt đẹp để rồi mỗi dịp lễ, Tết, người dân Quảng Trị nói riêng và du khách phương xa nói chung lại thôi thúc bước chân mình đến với Thành cổ.../.

Có thể bạn quan tâm