Tái hiện di sản chợ nổi Cái Răng trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam”

Tái hiện di sản chợ nổi Cái Răng trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam”
Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Duy Khương
Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Duy Khương

Cái Răng là một trong 3 chợ nổi lớn nhất Cần Thơ, nét độc đáo và đặc điểm chính là buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chính điều này đã góp phần giữ gìn, phát huy các nét đặc trưng vùng sông nước. Ngày nay, chợ nổi là một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài rất thích khám phá, trải nghiệm. 

Chợ nổi Cái Răng được hình thành đầu thế kỷ XX, trước khi xuất hiện chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng). Chợ nằm trên trục đường thủy sông Cần Thơ - kênh xáng Xà No, thuận tiện giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, từ mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ.  Các loại hàng hóa ở đây đều được bày bán trên ghe, mỗi ghe chuyên bán một loại mặt hàng. Trên mỗi ghe có một cây xào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà chủ ghe bán, được gọi là “ghe bẹo”… Qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, chợ nổi Cái Răng đã trở thành biểu tượng du lịch đặc trưng của thành phố Cần Thơ và cũng là một điểm du lịch hấp dẫn của miền Tây. 

Trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Trong đó điểm nhấn là " Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Tiếp đó là hoạt động của cộng đồng các dân tộc tại Làng, gồm hoạt động của các cộng đồng dân tộc hoạt động thường xuyên tại Làng và ngày hội giao lưu các dân tộc tại Làng. Hội thảo, tọa đàm chủ đề “Xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới”; khánh thành giai đoạn I chùa Pháp Ấn - ngôi chùa thờ Phật theo phái Bắc tông được xây dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với phần lễ rước tượng, an vị tượng Phật. 

Tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” có gần 200 đồng bào các dân tộc, nghệ sỹ, diễn viên của 13 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Mường,Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer, Chăm, Kinh, Raglai) của 13 địa phương cùng các Hiệp hội du lịch địa phương, công ty lữ hành, du khách trong nước, quốc tế… 

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” được tổ chức hàng năm  nhằm tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch. Hoạt động góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thiết thực chào mừng 87 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11); tích cực kết nối các địa phương, đồng bào các dân tộc trong quảng bá di sản văn hóa, phát triển du lịch tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam…. 
Thanh Giang 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm