Sôi động hội đua thuyền Kayak trên hồ thủy điện Tuyên Quang

Sôi động hội đua thuyền Kayak trên hồ thủy điện Tuyên Quang
Ngày 7/7, tại bến thủy Bản Phủng, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã tổ chức Hội đua thuyền Kayak lần thứ II, năm 2019 trên hồ thủy điện Tuyên Quang.
Người dân đến xem Hội đua thuyền Kayak. Ảnh Quang Đán - TTXVN
Người dân đến xem Hội đua thuyền Kayak. Ảnh Quang Đán - TTXVN

Tham dự có 82 vận động viên đến từ 11 đơn vị, câu lạc bộ (Câu lạc bộ Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nội, Công an, Lâm Bình, Huyện Đoàn Lâm Bình và 5 huyện thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang). Các vận động viên thi đấu 2 nội dung: Đôi nam và đôi nam nữ phối hợp. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 16 giải khuyến khích cho các cặp vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc.

Hội đua thuyền Kayak được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt, phát triển môn chèo thuyền Kayak trên hồ thủy điện, đồng thời, là dịp quảng bá hình ảnh du lịch sinh thái của huyện Lâm Bình nói riêng và cảnh đẹp huyền thoại của hồ thủy điện Tuyên Quang - “Hạ Long cạn” giữa đại ngàn tỉnh Tuyên Quang nói chung.

Hồ thủy điện Tuyên Quang có diện tích hơn 8.000 ha mặt nước, được ví như "Hạ Long trên cạn" giữa đại ngàn. Trong lòng hồ thủy điện có hàng chục “hòn đảo” lớn nhỏ, sở hữu nhiều đồi núi trùng điệp. Ðỉnh núi cao nhất là Pắc Tạ gắn liền với truyền thuyết của người dân địa phương khuất phục voi rừng bằng rượu, dùng voi để đánh tan giặc xâm lăng. Khi voi chết bên nậm rượu đã hóa đá, mỗi ngày một cao dần lên tạo nên ngọn Pắc Tạ ngày nay. Cùng với đó, là cảnh sông nước núi non hùng vĩ, điểm nhấn là núi Cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là "cọc buộc trâu"); hay những thác nước quanh hồ đẹp mê hồn như: thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Nặm Me… thắng cảnh 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can (huyện Lâm Bình).

Vận động viên thi đấu tại hội đua. Ảnh Quang Đán - TTXVN
Vận động viên thi đấu tại hội đua. Ảnh Quang Đán - TTXVN

Những năm qua, để thúc đẩy phát triển du lịch, huyện Lâm Bình đã khôi phục các lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng tông ở hai xã Thượng Lâm và Lăng Can; lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn tại xã Hồng Quang; xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với các loại hình du lịch thể thao chèo thuyền Kayak hay du lịch mạo hiểm khám phá rừng nguyên sinh, hang động. Đặc biệt, để tạo ấn tượng cho du khách, Lâm Bình đã chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch như các sản phẩm từ mây, tre…

Vận động viên thi đấu quyết liệt. Ảnh Quang Đán - TTXVN
Vận động viên thi đấu quyết liệt. Ảnh Quang Đán - TTXVN

Huyện Lâm Bình còn đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh; tập trung các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu vào các điểm du lịch có tiềm năng phát triển, ưu tiên du lịch văn hóa, sinh thái và du lịch cộng đồng homestay... Năm 2019, huyện Lâm Bình phấn đấu đón trên 36.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 22 tỷ đồng.
Vũ Quang Đán
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm