Rối giật của người Bahnar

Rối giật của người Bahnar
 Một con rối giật thể hiện động tác giã gạo.   Ảnh: Phương Linh
Một con rối giật thể hiện động tác giã gạo. 

Trong tiết mục biểu diễn cồng chiêng tái hiện lễ bỏ mả của huyện Đak Pơ tại Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ II-2016, đi sau hai pơtual (người tấu hề) là chiếc rối giật. Rối thể hiện hình ảnh một đôi nam nữ đang giã gạo được gắn trên đầu của một cây tre nhỏ làm cán. Con rối được đẽo bằng một khúc gỗ nhỏ bằng cổ tay có chiều cao khoảng 20 cm. Trên các đường nét đẽo thô sơ, mộc mạc bằng dao, dùi đục, bức tượng mang dáng dấp của con người được nghệ nhân sơn, vẽ tỉ mỉ. Các cánh tay được làm rời, gắn vào thân người và nối với một sợi dây dù nhỏ kéo dài xuống thân cán. Khi biểu diễn, người cầm rối sẽ giật sợi dây để con rối ở bên trên thực hiện động tác giã gạo nhịp nhàng. Trong bài biểu diễn của huyện Đak Pơ, phía dưới cán còn có 4 thanh tre bắc ngang thân cán rối được vắt lên những tấm vải dệt thổ cẩm với ý nghĩa đem theo cho người đã mất.

Anh Đinh Bang (SN 1979, làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ) là tác giả của con rối giật chia sẻ: “Không ai dạy mình làm rối cả, chỉ là ngày trước mình nhìn thấy những người lớn trong làng làm nên làm theo thôi. Ban đầu làm theo khó lắm, phải 3 ngày mới xong được một hình rối. Bây giờ thì mình chỉ cần làm 1 ngày là hoàn thiện các khâu đẽo, sơn, nối dây cho rối”. Anh Bang cũng cho biết, tùy vào mục đích sử dụng mà rối có thể đẽo theo nhiều hình dạng, mô phỏng cho nhiều hoạt động khác của con người như săn thú, bắn nỏ, địu con, sảy gạo,…

Với anh Đinh Phước (44 tuổi, làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê) thì phần khó nhất của việc làm rối giật là tạo khớp tay, chân và nối dây. Dây nối phải thật khéo làm sao để chỉ một sợi dây đó mà giật cái thứ nhất thì tượng người phụ nữ giã gạo, giật cái tiếp theo thì đến lượt người đàn ông. Vì thế, để làm thành thục được con rối, anh Phước đã phải theo cha mình học hơn 1 tháng trời. Con rối đầu tiên mà anh Phước làm là rối bắn chim-thể hiện một chàng thanh niên đang cầm ná ngắm bắn. Với anh Phước, làm rối cũng khá đơn giản, chỉ cần trí tưởng tượng tốt một chút là có thể làm được vì hình tượng không đòi hỏi cầu kỳ, phức tạp. “Rối giật là nét đặc trưng trong biểu diễn cồng chiêng của người Bahnar. Nó tái hiện và tượng trưng cho sinh hoạt ngày thường. Với ý nghĩa đó mà rối giật thường xuất hiện trong các lễ bỏ mả”-anh Phước cho hay. Mặc dù vậy, những nghệ nhân biết làm rối giật như anh Phước, anh Bang không còn nhiều nữa bởi lớp trẻ ít người muốn học, muốn làm. Chỉ có những dịp lễ thật quan trọng, các nghệ nhân này mới được thể hiện hết tài hoa của mình.

Sự góp mặt của rối giật-mặc dù khá nhỏ nhưng lại tạo nên sức hút, sự sinh động, phong phú, hấp dẫn khó tả cho các lễ hội của cộng đồng người Bahnar.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm