Phát triển bền vững giá trị văn hóa truyền thống ở Lâm Đồng

Phát triển bền vững giá trị văn hóa truyền thống ở Lâm Đồng
Cồng chiêng là tâm hồn các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Cồng chiêng là tâm hồn các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Bức tranh đa văn hóa ở Lâm Đồng 
Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tây Nguyên chỉ có khoảng 1 triệu người với 12 dân tộc. Đến nay, vùng đất bao la, rộng lớn này có tổng diện tích trên 54.640km2, dân số tăng cơ học qua các cuộc di dân lên gần 5,5 triệu người với 44 dân tộc/54 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó có gần 20 dân tộc bản địa, chiếm khoảng 30% dân số. 
Theo các nhà nghiên cứu: Tây Nguyên là vùng đất có nguồn gốc lâu đời. Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng, với văn hóa chữ viết, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa ẩm thực độc đáo. Tây Nguyên được coi là vùng sử thi duy nhất ở Việt Nam, với một kho tàng sử thi khá đồ sộ, đặc sắc và cũng là vùng sử thi quý hiếm trên thế giới. Đến nay, các ngành chức năng đã điều tra, sưu tầm được trên 622 tác phẩm sử thi. 
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, âm hưởng cồng chiêng đi suốt vòng đời sinh - tử của con người và ở đâu có lễ hội, ở đó có nhạc chiêng. Nhận định về văn hóa truyền thống Tây Nguyên, ông Nguyễn Tấn Đắc - Phó Viện trưởng Viện Đông Nam Á đã khẳng định: “Có thể nói, không cần quá dè dặt và khiêm tốn rằng, Tây Nguyên đã đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới những bản trường ca sử thi, những pho tượng nhà mồ và những sinh hoạt âm nhạc cồng chiêng tuyệt vời”.
Theo Địa chí Lâm Đồng (NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 2001): Dân tộc bản địa chủ yếu ở Lâm Đồng gồm: Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, M’Nông, Rắc Lây, Giẻ Triêng, Xtiêng... Sự ra đời các dân tộc có nguồn gốc bản địa ở Lâm Đồng nói riêng, miền Nam nói chung gắn liền với văn hóa Sa Huỳnh vào thời kỳ từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên đến một vài thế kỷ đầu công nguyên. Các kết quả khảo cổ học cho rằng, có thể ngay từ khi hình thành vương quốc Chăm Pa ven biển miền Trung và Vương quốc Phù Nam khoảng thế kỷ I-II sau công nguyên, người Mạ và người Cơ Ho đã định cư trên vùng đất Lâm Đồng - Lưu vực sông La Ngà ngày nay được cho là khu vực người Mạ đã cư trú từ thời xa xưa ấy.
Trong kho tàng văn học dân gian bản địa ở Lâm Đồng đã xuất hiện những tác phẩm theo lối truyện kể văn vần. Các dân tộc bản địa khác nhau gọi những đoạn văn vần này với những tên gọi khác nhau: Yal yau, tam pớt, lah long, dơs chri, hri, ndrí (nrí). Yal yau là kể chuyện xưa, tương đương với khái niệm truyện cổ; chỉ khi nào có vần và được diễn xướng theo lối ngâm nga (hát truyện) thì mới mang tính chất thơ - nhạc dân gian. Cùng với ca hát, cộng đồng các dân tộc ở Lâm Đồng còn có nhiều loại nhạc cụ khác nhau và được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động nghi lễ, hội hè… Nhóm gõ có các nhạc cụ tiêu biểu: Đàn đá (lú gòng), chiêng (chiang, ching) và trống. Với người Chu Ru, Rắc Lây, tiếng trống trở thành máu thịt trong đời sống văn hóa. Nhóm nhạc cụ hơi gồm các loại khoét lỗ vòm (sáo ngang, tiêu), ken dăm (kèn bó hay kèn đám ma), loại có lưỡi gà rung tự do (kèn bà, kèn bầu, sáo Mèo). Nhạc cụ hơi sáng giá nhất là kèn bầu (mbuốt hay mboắt). Phổ biến là loại kèn bầu 6 ống, gồm một quả bầu và 6 ống trúc thoát hơi. Người Chu Ru có điệu múa tamja nổi tiếng. Nghề dệt phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Người Mạ lấy màu chủ đạo là đen, người Cơ Ho là đỏ, người Rắc Lây và Chu Ru thiên về màu chàm và trắng. Bố cục của hoa văn và mảng màu đã vượt ra khỏi tính đăng đối đơn điệu, cứng nhắc, tạo cho người thưởng thức một cảm giác dễ chịu. 
Về mặt kiến trúc truyền thống: Đã từ lâu các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng quần cư theo từng buôn, làng (bon theo tiếng Cơ Ho, Mạ, Xtiêng; palei theo tiếng Rắc Lây; plây theo tiếng Chu Ru). Quy mô của các buôn, làng rất khác nhau. Có bon chỉ mấy nóc nhà dài, thậm chí là một nóc nhà duy nhất - Đó là trường hợp bon B’Su (huyện Đạ Tẻh). Bon B’Lạch B ở xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) cũng chỉ có 4 nóc nhà dài; bon B’Lạch A kề cạnh có 6 nóc nhà dài, 4 nóc ngắn. Ngược lại có bon hay plây lên tới hàng chục nóc nhà, phổ biến từ 15-20 nóc nhà. Một trong những tiêu chí dễ nhận thấy “tầm vóc” buôn, làng ở số lượng nóc nhà dài. Loại hình nhà dài là dạng thức tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống của các tộc người Nam Tây Nguyên. Cũng như mái nhà rông (của đồng bào J’rai), ngôi nhà dài (của đồng bào Êđê, Cơ Ho, Mạ…) từ ngàn năm đã trở thành linh hồn của buôn làng. Nhà dài không chỉ thấy ở Lâm Đồng, hiện tượng này còn bắt gặp ở hầu hết các tộc người thiểu số trên Trường Sơn - Tây Nguyên với những mức độ đậm nhạt khác nhau. Nhìn rộng ra, hình thái nhà dài cũng từng tồn tại trong khu vực Đông Nam Á. 
Phát huy những hạt nhân tích cực của văn hóa truyền thống 
Năm 1955, dân số Lâm Đồng chỉ khoảng 128.194 người, chiếm 0,4% dân số cả nước hiện thời. Qua quá trình hình thành và phát triển, nơi đây hội tụ 43 dân tộc anh em trên 63 tỉnh, thành trong cả nước về sinh sống và đã tạo ra một “bức tranh” văn hóa đa bản sắc. 
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng… Chính vì vậy, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của BCHTW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra mục tiêu chung: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo Nghị quyết, một trong những mục tiêu cụ thể được Đảng ta xác định phải: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
Say mê vũ điệu cồng chiêng - Ảnh: M.V.B
Say mê vũ điệu cồng chiêng - Ảnh: M.V.B
Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên nói chung và văn hóa truyền thống Lâm Đồng nói riêng có mối quan hệ mật thiết, khăng khít với nhau tạo thành sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải gìn giữ và phát huy những hạt nhân tích cực của văn hóa truyền thống, hình thành bền vững phẩm chất đạo đức của đồng bào các dân tộc gốc Tây Nguyên. Làm gì để đạt được mục tiêu này? Theo tôi cần thực hiện các nhiệm vụ sau: 
1, Đối với Lâm Đồng, từ ngàn đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa luôn gắn bó với rừng, với đại ngàn tâm linh. Rừng không chỉ nuôi sống con người - được con người tôn thờ mà rừng còn nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách cộng đồng; nhiều nghi lễ, tín ngưỡng đa thần gắn với nghi lễ sản xuất nông nghiệp truyền thống và giá trị sống tốt đẹp đã hình thành. Do vậy vấn đề đặt ra là phải tập trung nâng cao ý thức bảo vệ rừng - môi trường; gắn bó đời sống đồng bào ngày thêm mật thiết với rừng, với thiên nhiên. Trong 5 năm qua, Lâm Đồng đã đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực lâm nghiệp hàng năm khoảng 180-200 tỷ đồng để đầu tư phát triển lâm nghiệp, trồng, chăm sóc rừng trồng và giao khoán bảo vệ rừng. Tổng diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng hiện nay là 380.325ha, giao cho 18.275 hộ; trong đó có trên 13.280 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm nguồn lực mới cho phát triển lâm nghiệp, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào… Thế nhưng, do đời sống còn bức bách nên ở một số địa bàn vẫn nóng bỏng việc tàn phá rừng để khai thác gỗ trái phép, làm nương, trồng cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê, cao su…). Vì thế, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm; cần có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh tình trạng xâm hại rừng để gìn giữ tài nguyên rừng, môi trường và đặc biệt là không gian văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số. 
2, Sau 1975, việc quy hoạch lại các khu dân cư, sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số được tiến hành song chưa thực sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tâm lý, tập quán, tín ngưỡng vốn quan hệ mật thiết với rừng, với thiên nhiên của đồng bào nên nhiều nơi mô hình định cư, định canh không hiệu quả, vẫn còn hiện tượng đồng bào xin trở về buôn làng cũ. Thực trạng đặt ra giả thiết nên chăng cần có một sự quy hoạch tổng thể mang tầm chiến lược lâu dài, phù hợp để lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng cộng đồng dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, phục dựng và phát huy công năng kiến trúc nhà dài đối với các dòng họ có điều kiện, nhất là các trung tâm sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa) và xác định đây là nơi lưu giữ các vật dụng trong đời sống, sản xuất và các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống để tăng cường công tác giáo dục cho thế hệ trẻ.
3, Trước cơn lốc của kinh tế thị trường và sự hội nhập, khi thế hệ trẻ đang quay lưng với văn hóa truyền thống, cần tăng cường công tác sưu tầm, biên soạn, phổ biến văn hóa dân gian mà hiện đang mai một và còn rất ít già làng am hiểu và nhớ. Với đặc trưng âm nhạc cồng chiêng là sinh khí của làng, buôn Tây Nguyên, vì vậy cần có cơ chế chính sách để truyền bá rộng rãi loại hình âm nhạc này, các điệu yal yau, dân vũ…, nhất là phổ biến trong các trường học. Công tác dạy ngôn ngữ các dân tộc phải được quan tâm. Các cấp học phổ thông nên khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống. 
4, Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu, rộng vào cuộc sống, cần phát huy vai trò già làng để tăng cường điều hành xã hội bằng các luật tục tích cực, phù hợp và loại bỏ những luật tục trái pháp luật; đồng thời tiếp thu có chọn lọc văn hóa tiên tiến của các dân tộc anh em. 
5, Tiếp tục ưu tiên đào tạo và sử dụng hợp lý, hiệu quả lực lượng con em đồng bào các dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường trung học, cao đẳng, đại học về công tác và từng bước gánh vác những công việc trọng trách trong các cơ quan Đảng, mặt trận, đoàn thể, cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp ở từng địa phương. 
Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, thiết nghĩ chúng ta đã thực sự giữ gìn, phát triển những nhân tố văn hóa tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người; phát huy sức mạnh tổng hợp của truyền thống văn hóa từng dân tộc, từng vùng miền để tạo nên một nguồn nội lực to lớn đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm