Phát lộ tháp Chăm có mặt bằng di tích đầy đủ nhất tại Bình Định

Phát lộ tháp Chăm có mặt bằng di tích đầy đủ nhất tại Bình Định
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Phế tích tháp Chà Rây còn có tên gọi là Hòn Nóc hay Tráng Long, nằm trên một đỉnh đồi đất, có diện tích khoảng 4 ha, tại thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định. Theo truyền thuyết của người dân địa phương, nơi đây xưa kia là khu tháp Chăm lớn, do bỏ hoang nên dần sụp đổ, người dân lấy gạch vè xây dựng nên di tích đã bị tàn phá nặng nề.

Các nhà nghiên cứu chia sẻ thông tin về những hiện vật được khai quật. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN
Các nhà nghiên cứu chia sẻ thông tin về những hiện vật được khai quật.
Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Theo PGS.TS Lại Văn Tới, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Kinh thành, Trưởng đoàn khai quật thì nơi đây trước kia là một cụm 3 tháp. Tháp chính nằm chính giữa đồi, trên cao nhất, quy mô lớn, bề thế, dấu tích móng tháp mỗi chiều dài 20 mét. Hai tháp phụ quy mô nhỏ hơn nằm về phía Đông tháp chính, được xây dựng đối xứng hai bên tháp chính, dấu tích móng tháp có chiều dài 10 mét. Do sự đào bới lấy vật liệu xây dựng, khu tháp hiện nay bị hoang phế, chỉ còn lại gò gạch vụn đồ sộ. Các nhà khảo cổ đã xếp phế tích tháp Chà Rây thuộc loại tháp Chăm phong cách Bình Định, có niên đại thế kỷ XII – XIII, tương đương với niên đại các tháp Chăm nổi tiếng của Bình Định như tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, tháp Đôi, tháp Dương Long…

Các hiện vật được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN
 
Các hiện vật được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN
 
Các hiện vật được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN
Các hiện vật được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Đợt khai quật đã thu về 10.496 hiện vật, đa phần là các loại gạch, ngói nhiều chủng loại cùng các trang trí kiến trúc bằng đất nung. Kết quả công tác khai quật tháp Chà Rây sẽ là cơ sở để triển khai công tác khai quật và nghiên cứu các phế tích tháp Chăm khác, cũng như nghiên cứu tổng thể về văn hóa Chăm Pa ở Bình Định.

Cũng trong hội nghị, Ban tổ chức đã báo cáo kết quả khai quật lần thứ 2 di chỉ sản xuất gốm Gò Cây Me (thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Đây là trung tâm sản xuất gốm lớn của vương quốc Chăm Pa xưa, có niên đại vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Theo thống kê, tổng số thu được là 23.531 di vật, trong đó có 563 di vật nguyên vẹn và 28 di vật gốm Trung Quốc.
Quốc Dũng

Có thể bạn quan tâm