Ông Đinh Công Bôn dày công sưu tầm và bảo tồn văn hóa H’rê

Ông Đinh Công Bôn dày công sưu tầm và bảo tồn văn hóa H’rê
Ông Đinh Công Bôn cùng những nhạc cụ sưu tầm được. Ảnh: baoquangngai.vn
Ông Đinh Công Bôn cùng những nhạc cụ sưu tầm được.
Ảnh: baoquangngai.vn

Những ngày đầu xuân mới Mậu Tuất, “bảo tàng” văn hóa tại gia đình ông Đinh Công Bôn, ở thôn Tà Mùng, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà có nhiều người tới thăm hơn thường lệ. Hàng trăm hiện vật và nhạc cụ có giá trị của người H’rê được ông Bôn sưu tầm và sắp xếp một cách khoa học. Nhiều người, đặc biệt là những người con của dân tộc H’rê tỏ ra khá ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến những hiện vật và nhạc cụ quý hiếm do cha ông mình chế tác đã được ông Bôn sưu tầm và gìn giữ.

Ông Đinh Văn Chỉnh, xã Sơn Trung, chia sẻ: “Tôi đi làm ăn trong Nam mấy năm nay, giờ về thăm quê được mọi người giới thiệu nhà ông Bôn có nhiều dụng cụ truyền thống của đồng bào mình nên tôi đã ghé qua. Tôi rất ngạc nhiên vì thấy chiêng, chóe, dáo mác, ta lía, đàn vin vút... ở đây đều có đủ. Tôi thấy mình như đang trở lại thời thơ bé vì được chứng kiến những vật này của cha ông”.

Để có hàng trăm hiện vật và nhạc cụ quý hiếm trưng bày, ông Bôn đã lặn lội tới nhiều bản làng ở vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu và sưu tầm. Ông thường xuyên gặp gỡ các già làng của dân tộc H’rê để trao đổi, nghiên cứu thêm về văn hoá của dân tộc mình. “Lúc đầu mới bắt đầu sưu tầm tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì vào các bản làng xa xôi mình chưa quen nên bà con không chịu bán, trao đổi những vật quý như chiêng, đàn. Do đó tôi phải trò chuyện với các già làng về mục đích, tâm huyết của mình, từ đó thuyết phục họ trao đổi các đồ vật”, ông Bôn tâm sự.

Sau khi cất công sưu tầm, lưu giữ, ông Bôn còn dày công mang những hiện vật, nhạc cụ tới nhiều bản làng để giới thiệu cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ của dân tộc H’rê biết về giá trị. Ông cũng dành nhiều thời gian chỉ dạy cho các thanh, thiếu niên ở các bản làng H’rê cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Ông Bôn cho biết: “Hiện nay, vào những ngày lễ, hội, Tết của đồng bào mình chỉ thấy một số người già hát, đánh chiêng, trống, còn người trẻ lại không yêu thích những phong tục này làm tôi cảm thấy buồn. Tôi đã mang các nhạc cụ này đi rất nhiều vùng để giới thiệu, chỉ dạy cho một số thanh, thiếu nhi đồng bào H’rê. Tôi mong rằng, thế hệ trẻ sẽ giữ được những giá trị truyền thống của dân tộc mình”.

Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: “Chính quyền địa phương trân trọng sự dày công tìm kiếm, sưu tầm những đồ vật truyền thống của ông Đinh Công Bôn. Chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền địa phương tạo điều kiện để ông Bôn tiếp tục sưu tầm, đồng thời chỉ dạy cho các bạn trẻ cách chơi, sử dụng các vật dụng, nhạc cụ của đồng bào. Chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều người tâm huyết với văn hóa dân tộc mình như ông Bôn”.

Việc cất công tìm kiếm, sưu tầm và giới thiệu tới mọi người về những hiện vật, nhạc cụ quý hiếm của dân tộc H’rê cho thấy ông Bôn là người đầy tâm huyết trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Và để rồi, cứ mỗi mùa xuân đến, những âm thanh của cồng chiêng, tiếng sáo, tiếng đàn vin vút, ta lía… lại vang lên trên khắp các bản làng ở vùng cao Quảng Ngãi.
Đinh Thị Hương

Có thể bạn quan tâm