Nữ sinh H’re Đinh Triệu Vi góp phần bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số

Nữ sinh H’re Đinh Triệu Vi góp phần bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
Đinh Triệu Vi (áo hồng) cùng thầy giáo và các bạn sử dụng bộ gõ tiếng dân tộc để soạn thảo bài học. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Đinh Triệu Vi (áo hồng) cùng thầy giáo và các bạn sử dụng bộ gõ tiếng dân tộc để soạn thảo bài học. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Nữ sinh Đinh Triệu Vi sinh năm 2000, trong một gia đình thuần nông tại vùng quê nghèo xã An Quang, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định. Từ nhỏ sống với bố mẹ và bà nội, Vi được nghe và nói ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Tiếng H’re đã in sâu vào tiềm thức của em từ trong những giấc ngủ thời thơ bé. “Em nghĩ tiếng nói là một trong những nét đặc trưng nhất của mỗi dân tộc trên cả nước, nên việc bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy tiếng nói dân tộc mình cho những người trẻ là việc rất quan trọng. Em luôn tự hào mình là người H’re và biết nói tiếng H’re” – Vi chia sẻ. Từ khi lên học bậc Trung học phổ thông, với học lực khá của mình, cô nữ sinh An Lão được chuyển xuống thành phố Quy Nhơn học tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định. Tại đây, Vi được gặp và làm quen với nhiều bạn thuộc các dân tộc Chăm, Bana của các huyện khác trong tỉnh, được làm quen nhiều hơn với các sách vở, chữ viết, ngôn ngữ dân tộc. Nhưng qua các buổi học, Vi nhận ra là tiếng H’re và Chăm có các ký tự chưa thể gõ được khi soạn thảo văn bản trên máy vi tính. Font chữ tiếng dân tộc có sẵn trên mạng chỉ có thể viết được các ký tự của tiếng dân tộc sống tại Tây Nguyên như Êđê, Jrai, Bana, Xê đăng, M’nôngK'ho. Cô nữ sinh đã mang thắc mắc này nói chuyện với thầy Bùi Công Phúc, Phó Bí thư Đoàn trường, giáo viên môn Tin học, người cũng đang tự tìm tòi học tiếng nói của các dân tộc trong tỉnh Bình Định. Từ đó, 2 thầy trò đã cùng nhau nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Thầy Bùi Công Phúc cho biết: Việc khó nhất là tìm ra phương tiện để có thể sáng tạo ra ký tự. Sau khi tham khảo một vài phần mềm có sẵn trên mạng, chúng tôi đã tìm ra và sử dụng bộ mã nguồn mở WinVNKey, công cụ cho phép chỉnh sửa và tạo ra các ký tự mới. Sau đó, nhờ sự nhiệt tình và chăm chỉ tìm tòi của Vi, em đã lần lượt thống kê được tất cả các ký tự cần chỉnh sửa, bổ sung để gõ được ngôn ngữ các dân tộc H’re, Chăm, Bana.
Đinh Triệu Vi là một lớp trưởng học giỏi, phó bí thư Đoàn năng nổ của lớp. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Đinh Triệu Vi là một lớp trưởng học giỏi, phó bí thư Đoàn năng nổ của lớp.
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Em Vi nhớ lại, khó khăn nhất là việc chọn ra các chữ cái cần phải chèn dấu. Một chữ có thể có nhiều dấu nên rất dễ gây nhầm lẫn, nhiều khi các dấu chỉ khác nhau một chút cũng có thể trở thành ký tự khác. Vi chia sẻ: “Em còn trẻ tuổi và chỉ quen nghe nói tiếng H’re, chứ nhiều chữ em cũng không biết viết như thế nào, nên phải nhờ tới sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều bạn bè, thầy cô trong trường. Sau đó, em dùng phần mềm Character map để xây dựng nên cách gõ riêng cho từng ký tự.” Sau một năm nghiên cứu, sáng tạo và nhiều lần chỉnh sửa, nâng cấp, bộ gõ tiếng các dân tộc thiểu số Bình Định đã ra đời. Sản phẩm này được đánh giá rất cao về tính ứng dụng thực tiễn, đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định năm 2017. Sau đó, đề tài nghiên cứu khoa học này cũng đã đoạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ XIII năm 2017. Cùng với các giải thưởng, em Đinh Triệu Vi vinh dự được vinh danh tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2017 và nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn. Thầy Trần Xuân Bình, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định cho biết: Em Đinh Triệu Vi là lớp trưởng gương mẫu, là Phó Bí thư Chi đoàn lớp 12A3. Em có thành tích học tập tốt, tham gia tích cực trong các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động Đoàn, Hội. Bộ gõ tiếng dân tộc do em sáng tạo có tính ứng dụng cao trong dạy và học tiếng dân tộc ở trường. Nhà trường đã gửi bộ gõ cho các nhà nghiên cứu dân tộc trong tỉnh Bình Định dùng thử và đang nhận được phản hồi rất tốt. Với mong muốn giúp ích cho các đồng bào dân tộc, Đinh Triệu Vi sẽ cung cấp bộ gõ tiếng dân tộc này miễn phí cho tất cả những ai cần dùng. Nói về dự định tương lai của mình, cô nữ sinh H’re tiết lộ sẽ thi vào ngành Luật, phấn đấu trở thành một nữ luật sư người H’re, mang những kiến thức của mình về góp phần xây dựng quê hương. Cùng những thành tích trong thời gian qua, trong Tháng thanh niên 2018 này, Đinh Triệu Vi vinh dự được Tỉnh Đoàn Bình Định trao tặng danh hiệu một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Bình Định năm 2017.
Quốc Dũng

Có thể bạn quan tâm