Nón lá của người Tày, Nùng Cao Bằng

Nón lá của người Tày, Nùng Cao Bằng
Thiếu nữ Tày duyên dáng với chiếc nón lá của dân tộc.
Thiếu nữ Tày duyên dáng với chiếc nón lá của dân tộc.
Đan nón lá là nghề cổ truyền của dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng. Đan nón biểu hiện sự khéo tay, đức tính chăm chỉ, cẩn thận từ việc chuốt từng nan tre, trúc; chọn từng chiếc lá, việc phối màu cho từng loại nón của người phụ nữ Tày, Nùng xưa.  

Sản phẩm của nghề đan nón là những chiếc nón lá dùng để đội đầu che mưa, che nắng, phục vụ sinh hoạt trong đời sống thường nhật. Nguyên liệu chủ yếu để làm nón là tre, trúc, lá cây chít hoặc lá mai. Chiếc nón được chế tác theo nhu cầu, mục đích  sử dụng;  muốn đan loại nón nào,  người thợ đan sẽ chẻ lạt, chọn lá cho phù hợp với kiểu dáng. Với những chiếc nón chỉ đơn thuần để đội đi làm đồng thì nan lạt chỉ cần một màu nguyên bản của màu tre,  trúc. Còn những chiếc nón dành cho thanh niên dùng để đội khi đi chợ hội, đi hát giao duyên, nón của cô dâu đội trong ngày cưới thì trang trí cầu kỳ, đan có hoa văn. Người ta đã dùng củ nâu (cho màu nâu đỏ), lá dứa dại (cho màu xanh), vỏ cây vang (cho màu hồng, màu đỏ)… nhuộm lạt rồi mới đan. Công việc đan nón được tiến hành quanh năm, nhưng phổ biến nhất là vào các dịp nông nhàn; hầu như gia đình nào cũng biết đan nón, nên sản phẩm chủ yếu là tự cung, tự cấp.     
     
Nón lá của người Tày, Nùng trở thành sản phẩm du lịch.
Nón lá của người Tày, Nùng trở thành sản phẩm du lịch.
Nón lá của người Tày, Nùng có nhiều loại, như: Chúp chọp (nón chóp), Chúp slâng (nón bè như cái sàng), Chúp Vja (nón đan có hoa văn, hoặc nón kết hoa), Chúp tha bẻ (nón có hoa văn tròn như mắt con dê)… Chính sự tự nhiên với dáng vẻ hoang sơ, đơn giản của những chiếc nón lá, với  kỹ sảo đan lát độc đáo tạo nên kiểu dáng riêng của từng chiếc nón, loại nón và chứa đựng các yếu tố văn hóa của cộng đồng người Tày, Nùng, của từng vùng quê.

Hiện nay, nghề đan nón còn được nhiều người làm tại các bản: Lạc Riển, xã Hồng Định (Quảng Uyên); các xã Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai (Thạch An). Nón lá của người Tày, Nùng cũng đã trở thành một sản phẩm được nhiều du khách tìm mua làm kỷ niệm khi  đến tham quan, du lịch, tìm hiểu về  Cao Bằng.
Lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa chứa đựng trong từng chiếc nón và nghề đan nón của người Tày, Nùng cũng chính là góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, của từng vùng miền.
 
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm