Ninh Thuận bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc

Ninh Thuận bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc
Nhiều giá trị văn hóa đặc sắc 

Tỉnh Ninh Thuận có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa của hơn 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Theo thống kê, Ninh Thuận hiện có 149 di sản văn hóa, trong đó có 53 di sản văn hóa đã được xếp hạng gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 35 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Ngoài ra, Ninh Thuận là một trong 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 
 
Lễ hội của người Chăm ở Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh
Lễ hội của người Chăm ở Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh

Di sản văn hóa vật thể Ninh Thuận nổi bật với các kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo như đình, chùa tồn tại hàng thế kỷ. Đặc biệt hệ thống các tháp Chăm ở Ninh Thuận đến nay gần như còn nguyên vẹn như: tháp Hòa Lai xây dựng thế kỷ thứ IX, cụm tháp PoKlong Garai xây dựng thế kỷ XIII, cụm tháp Po Rome xây dựng thế kỷ XVII được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao về kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật chạm khắc tinh tế, độc đáo của nền văn hóa Chăm Pa. 

Bên cạnh các giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể ở Ninh Thuận cũng phong phú với nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội cầu ngư của người dân vùng biển, lễ bỏ mã của người Raglai, lễ hỏa táng của người Chăm theo đạo Bà-la-môn. Nổi bật nhất là lễ hội Ka tê tổ chức vào tháng 7 lịch Chăm hàng năm, thu hút một lượng lớn du khách đến với Ninh Thuận. Thông qua lễ hội, nhiều tập tục, lễ nghi cổ truyền được tái hiện, làm sống động tinh thần và niềm tự hào của mỗi dân tộc. 

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền đã có những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa của các các dân tộc về các mặt: Ngôn ngữ, phong tục tập quán, kiến trúc, nhà ở, trang phục dân tộc, nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, lễ hội, các làng nghề... dẫn đến một số yếu tố văn hóa phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Một số yếu tố văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. 

Bên cạnh đó, hơn 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo của tỉnh đã được xếp hạng đang trong tình trạng xuống cấp, một số hạng mục của di tích có nguy cơ đổ sụp. Một phần vì các di tích đều có niên đại trên dưới 200 năm, trong khi đó kết cấu bộ khung kiến trúc chủ yếu làm bằng gỗ đã trải qua thời gian sử dụng lâu dài và chịu sự khắc nghiệt của thời tiết nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại, độ bền của công trình, một phần vì hạn chế về nguồn kinh phí nên các di tích chỉ được phân bổ nguồn vốn rất hạn chế cho các hạng mục, công trình xuống cấp cần thiết phải trùng tu. 

Nỗ lực bảo tồn và phát huy 

Ông Phạm Văn Thành, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, Sở chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn; tổ chức trưng bày các di vật gắn với di tích, trưng bày các chuyên đề văn hóa như: nhạc cụ các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, Văn hóa Raglai tỉnh Ninh Thuận, văn hóa Chăm Ninh Thuận để giới thiệu rộng rãi tới công chúng và du khách. 

Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật các tác phẩm văn học nghệ thuật, diễn xướng dân gian. Trong năm 2017, Ninh Thuận hoàn thành “Sưu tầm Ariya (trường ca) của người Chăm”; biên dịch 30 bài “Truyện cổ dân gian Chăm”; phát hành 4 đầu sách: “Văn hóa Phi vật thể người Chăm Ninh Thuận”, “Trò chơi dân gian người Chăm Ninh Thuận”, “Lang Likuk - Tiền tố tiếng Chăm”, “Văn hóa Chăm - H’roi”; liên kết hợp tác đưa Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm vào tuyến tham quan du lịch của du khách quốc tế. Hiện Ninh Thuận đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ “Lễ hội Ka tê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” và “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình tổ chức UNESCO để công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Trên địa bàn các dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, còn duy trì những tập quán canh tác không phù hợp với điều kiện sản xuất mới. Đời sống khó khăn, sự đầu tư của Nhà nước cho bảo tồn văn hóa còn thấp và manh mún, các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa còn thiếu các sản phẩm văn hóa, nhất là các sản phẩm văn hóa có nội dung, hình thức phù hợp với trình độ và thị hiếu của đồng bào. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực là người dân tộc thiểu số. Người có uy tín và các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ngày càng ít dần. 

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, mở rộng giao lưu, học hỏi, đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, đời sống văn hóa, tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút khách tham quan đến Ninh Thuận.
Nguyễn Thành 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm