Nguy cơ sách cổ của người Dao ở Nguyên Bình bị mai một

Nguy cơ sách cổ của người Dao ở Nguyên Bình bị mai một
Ông Bàn Hữu Sen, xóm Bản Chang, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình( Cao Bằng) gìn giữ cẩn thận những cuốn sách cổ do cha ông để lại.
Ông Bàn Hữu Sen, xóm Bản Chang, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình( Cao Bằng) gìn giữ cẩn thận những cuốn sách cổ do cha ông để lại.

Tại xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) - nơi gần 100% dân số là dân tộc Dao Tiền sinh sống, nhưng khi chúng tôi đi đến nhiều gia đình để hỏi về sách cổ chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc những câu trả lời: “Chúng tôi không còn giữ sách cổ nữa vì sau thời gian dài bị mủn, hư hỏng hết rồi” hoặc “Ngày trước có giữ một số cuốn sách cổ của ông bà để lại nhưng không biết đọc nên để đấy mất dần lúc nào không rõ”…
 
Ông Lý Văn Nguyên, xóm Gảm Tẹn, xã Hoa Thám, Trưởng họ Lý người Dao Tiền là một trong số ít người nơi đây còn lưu giữ được nhiều sách cổ người Dao, cho biết: Theo những người già kể lại, trước đây mỗi xóm, làng người Dao có hàng trăm cuốn sách cổ gọi là “shâu”. Các sách cổ ghi lại quá trình di trú gian nan vất vả của dân tộc Dao cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của cha ông trong việc chinh phục thiên nhiên; phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc Dao hay ghi chép gia phả của từng dòng tộc cụ thể... Trong đó, phần lớn là sách cúng, tiếp đến là sách về tập tục trong hôn lễ, sách truyện cổ, truyện thơ, sách lịch sử... Điểm chung của những cuốn sách cổ người Dao đều hướng con người tới bốn chữ: Canh - Độc - Hiếu - Thiện (Canh: cần cù, chăm chỉ/ Độc: học chữ/ Hiếu: có hiếu với cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn/ Thiện: không làm điều ác). Hiện nay, chỉ còn một số gia đình trưởng họ hoặc gia đình làm thầy cúng còn giữ lại những cuốn sách cổ. 
 
Tại gia đình ông Bàn Hữu Sen, 50 tuổi, ở xóm Bản Chang, xã Thành Công vẫn lưu giữ những cuốn sách cổ được đặt trang trọng trong tủ kính ngay phòng khách, trên tường treo một số cuốn sách cổ dày lên đến gần nghìn trang. Ông Sen bộc bạch: Những cuốn sách cổ này là của cha tôi để lại, cụ bảo, đó là “báu vật” tổ tiên lưu lại cho con cháu qua bao đời. Từ xa xưa, theo quan niệm của người Dao thì vạn vật đều có linh hồn, tồn tại các vị thần gió, thần mưa, thần trông coi lúa gạo, hoa màu và chăn nuôi... Do đó, người Dao có nhiều nghi lễ, như: cúng mưa, cúng thóc giống, cúng hồn gia súc, cấp sắc… Những nghi lễ đó được lưu giữ trong những cuốn sách cổ nhưng phải là những người biết đọc chữ Dao mới có thể thực hiện được. Tuy nhiên, hiện những cuốn sách này đều đã bị hư hỏng, tôi lưu giữ những cuốn sách cổ để con cháu mai sau còn biết nguồn cội, bản sắc dân tộc mình.
 
Những cuốn sách cổ là di sản văn hóa quan trọng nhưng hiện nay, sách cổ của người Dao tại huyện Nguyên Bình đang bị mai một và có nguy cơ sẽ bị “biến mất” hoàn toàn nếu không có sự quan tâm, biện pháp kịp thời để bảo tồn “báu vật” này. Những người lưu giữ sách cổ của người Dao hiện chủ yếu là người đang làm thầy cúng nên phần lớn là sách nghi lễ, số ít sách còn lại vẫn được những gia đình trưởng họ lưu giữ nhưng lại không biết chữ viết nên không phát huy được giá trị…
 
Sách cổ chính là nguồn sử liệu quý để nghiên cứu về văn hóa dân tộc của người Dao.
Sách cổ chính là nguồn sử liệu quý để nghiên cứu về văn hóa dân tộc của người Dao.

Theo bà Vũ Thị Mai - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), việc bảo tồn sách cổ của người Dao trên địa bàn huyện là vấn đề nan giải, bởi hiện thiếu nguồn kinh phí để triển khai việc thực hiện kiểm kê, đánh giá, bảo tồn các sách cổ. Bên cạnh đó, người dân chưa có ý thức bảo lưu, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho lớp kế tiếp, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc mình nên không chỉ chữ viết, sách cổ của người Dao dần bị thất truyền mà các phong tục, tập quán độc đáo của dân tộc Dao tại nhiều nơi cũng đang bị mai một. Việc điều tra, đánh giá, khôi phục văn hóa của dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc thiểu số ít người nói chung trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, không hiệu quả. 
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm