Người níu kéo ký ức Trung thu xưa

Người níu kéo ký ức Trung thu xưa
Có thể nói, tình yêu làng quê và văn hóa Việt của anh bắt nguồn từ những ký ức tuổi thơ và những năm tháng anh theo cha học vẽ họa tiết đình chùa. Cha Lê Bích vốn là họa sỹ sơn mài. Sau khi ông mất, anh không theo nghiệp cha nhưng vẫn đau đáu với các làng nghề và văn hóa truyền thống.  Kể từ năm 2006 đến nay, Lê Bích đã rong ruổi khắp các làng nghề để chụp ảnh với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc lưu giữ văn hóa truyền thống. Và cho đến nay, anh luôn tự hào bởi mình là một trong những nhà nhiếp ảnh có bộ ảnh về làng nghề đầy đủ nhất ở Việt Nam, trong đó có làng nghề làm đồ chơi Trung thu như: Nghề mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, đèn kéo quân Cao Viên, ông tiến sỹ giấy, đèn ông sao Báo Đáp, trống Đọi Tam, đầu lân sư làng Gạo, Thiên nga nhồi bông… 
Chia sẻ về quá trình thực hiện bộ ảnh “Những người giữ hồn Trung thu” vừa ra mắt mới đây, Lê Bích cho biết: “Với tôi, đây chính là cơ hội để níu giữ những ký ức xưa cũ nhưng lại là những kỷ niệm đẹp không thể lãng quên. Ngày xưa, khi gia đình còn nghèo, mỗi dịp Trung thu, bố tôi chỉ cho chọn một món đồ chơi duy nhất và tôi luôn luôn chọn chiếc tàu thủy sắt tây. Khi thực hiện bộ ảnh về làng nghề này, tôi cảm thấy mình như được quay trở về quãng thời gian thật đẹp của tuổi thơ”.
Người níu kéo ký ức Trung thu xưa ảnh 1
Chiếc tàu thủy sắt tây vẫn là món đồ chơi được nhiều trẻ em yêu thích vào dịp Trung thu.
Chiếc tàu thủy sắt tây, được ví như chiếc tàu tuổi thơ của chính bản thân Lê Bích và nhiều thế hệ 7X như anh, và nay chiếc tàu ấy lại đưa anh quay lại “dòng chảy tuổi thơ” như những ký ức một thời tưởng chừng không thể níu kéo.
Mỗi một nhân vật, một làng nghề trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Bích giống như những câu chuyện, những thước phim quay chậm lưu lại dấu ấn văn hóa một thời. Ở những bức ảnh ấy, người xem như thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của những người thợ, người nghệ nhân, những người vẫn ngày đêm gìn giữ làng nghề, mặc dù làng nghề đó không còn được như xưa hay được nhiều người biết đến, thậm chí đang dần lụi tàn.
Lê Bích chia sẻ, mỗi khi thực hiện một bộ ảnh làng nghề thủ công truyền thống, anh đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, như bộ ảnh về làng nghề làm lân sư làng Gạo (Vụ Bản, Nam Định), anh phải đi đi về về rất nhiều lần, bởi thời điểm anh thực hiện bộ ảnh cũng là lúc chỉ còn một nghệ nhân duy nhất và cũng là cuối cùng còn làm nghề này ở làng, sau đó họ không làm nghề nữa bởi thu nhập ít ỏi mà nghề đó mang lại, khiến người nghệ nhân không đủ trang trải cuộc sống.
 
Sự mai một của các làng nghề thủ công truyền thống hiện nay là sự trăn trở với nhiều người, trong đó có Lê Bích. Anh chia sẻ cảm thấy rất đáng buồn bởi các làng nghề truyền thống hiện nay đang vấp phải rất nhiều vấn đề, nhất là thiếu sự quan tâm của xã hội. Trong thời buổi kinh tế thị trường, cơm áo gạo tiền đè nặng, mọi người có nhiều mối quan tâm hơn, vì thế mà văn hóa truyền thống theo đó cũng bị lãng quên. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, nghề thủ công truyền thống chưa thức thời, chưa bắt kịp văn minh của xã hội hiện đại… Nhưng theo Lê Bích thì điều này quả là thiệt thòi đối với nghề thủ công truyền thống bởi nó đã có bề dày văn hóa rất lâu đời và là tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Quay trở lại bộ ảnh về các làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống, Lê Bích chia sẻ: “Thông qua bộ ảnh, tôi mong muốn góp phần nhỏ bé công sức của mình để khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, các em nhỏ, để các em có cái nhìn rõ ràng hơn về nghề truyền thống, những nghề truyền thống đã từng tồn tại như thế nào, rằng thế hệ cha ông cũng rất giỏi khi tạo ra những món đồ chơi hay. Qua đó, các em thêm yêu và có ý thức giữ gìn cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Và khi đã yêu rồi thì các làng nghề mới có thể vượt qua những khó khăn, thách thức”.

Có thể bạn quan tâm