Người Lô Lô “rửa làng”

Người Lô Lô “rửa làng”

Tiến sĩ Lò Giàng Páo, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học (thuộc Ủy ban Dân tộc) giải thích:

- Lễ rửa làng bắt nguồn từ một sự tích là một năm bao giờ cũng có cái may và cái rủi. Dù thu hoạch mùa màng vụ rừa rồi thắng lợi, nhưng người ta vẫn nghĩ tới rủi ro. Thế là họ phải rửa làng cho sạch sẽ, khang trang.

Đoàn cúng, ngoài thầy mo chính, còn có một thầy mo phụ, và khoảng chục người đàn ông trong bản. Tiếng trống đồng hòa với tiếng chiêng rộn rã. Đoàn người đi từng nhà để cúng, đuổi tà khí đang ẩn náu đâu đó nơi góc nhà, quanh đường, dưới xóm. Họ dắt theo hai con dê khỏe mạnh, lực lưỡng. Người Lô Lô cho rằng phải là mùi của hai con dê đó mới đủ mạnh để đuổi tà khí.

                                 Le hoi cau mua cua nguoi Lo Lo1.jpg                                     

Thầy cúng người Lô Lô đang hành lễ. Ảnh minh họa:dantri.com

Thầy cúng được hóa trang, trông khá là dữ dằn. Thầy cúng cất lời đe dọa ma xấu, rằng nơi đây không phải là nơi trú ngụ của ông, của bà. Ma chết bất đắc kỳ tử thì thầy cúng gọi luôn bằng “mày”. Thầy dậm chân, rắc ngô khắp xó nhà để dọa, hò hét, đập khua ầm ĩ. Thầy dọa thật ghê gớm: Đây không phải là nơi trú ngụ của chúng mày, phải ra đi, dứt khoát phải ra đi, nếu không thì sẽ bắn, sẽ chém!

Hò hét, xua đuổi tà khí xong, thầy cúng lấy hai mảnh gỗ có hình dáng như hai chiếc sừng bò ra tung để xem quẻ. Hai mảnh gỗ biểu hiện cho âm – dương được thả xuống đất, xem ma đi hay chưa. Nếu quẻ báo chưa đi thì thầy lại dậm chân đuổi tiếp bằng cách phun nước, phun rượu. Dấu hiệu ma chưa đi là hai cái sừng bò úp sấp, hoặc cả hai đều ngửa. Còn nếu ma đi rồi thì một sấp, một ngửa, tức là cái lành ở lại, còn cái dữ mang đi.

Hai con dê, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi khắp bản, vào từng nhà giúp thầy cúng đẩy đuổi tà ma, thì được đoàn người dẫn ra khu đất rộng giữa làng. Và khi đó, hai con vật có công lại phải trải qua một cuộc đau đớn để mang lại bình an cho dân làng. 

- Đánh cho nó bằng kêu, kêu tới thấu trời, thì trời mới biết rằng làng đã làm lễ này. Con dê đó đã làm tròn nhiệm vụ, đẩy đuổi hết tà ma. Chuyện không lành ở làng này đã làm xong. Cái lễ này nó làm khang trang, sạch sẽ làng. Sạch sẽ từ tâm hồn cho tới cảnh quan. Người ta nghĩ rằng làm lễ đó rồi thì mưa thuận gió hòa, năm đó được mùa, yên tâm làm ăn – ông Lò Giàng Páo lý giải.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm