Người đam mê văn hóa truyền thống dân tộc Thái

Người đam mê văn hóa truyền thống dân tộc Thái
Ông Sầm Văn Bình nghiên cứu và thiết kế thành công 5 font chữ Thái cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính. Ảnh: Bích Huệ
Ông Sầm Văn Bình nghiên cứu và thiết kế thành công 5 font chữ Thái
cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính. Ảnh: Bích Huệ 

* Không ngừng đam mê
 
Bước ngoặt đầu tiên để ông Sầm Văn Bình gắn bó với văn hóa Thái bắt nguồn từ ông thân sinh của ông. Bố ông Bình khi đó là trưởng họ đã yêu cầu ông phải nhìn, ngóng, xem xét “tất tần tật” nhưng cái gì liên quan đến phong tục tập quán của đồng bào Thái. “Thứ nhất là để mình dùng cho bản thân mình, cho gia đình mình. Thứ hai là để dùng cho cộng đồng, làm sao để không được phép làm sai “không để cho một người không biết để họ xưng là biết để họ đánh lừa mình và đó cũng là đánh lừa cả dòng họ, cộng đồng”, ông Bình tâm sự.

Từ sự chỉ bảo của bố, ông Sầm Văn Bình bắt đầu ghi chép, tìm hiểu và cố gắng nắm bắt hết tất cả những tâm linh, phong tục tập quán. Sau đó, càng tìm hiểu ông càng thấy hay và bắt đầu đam mê. “Tôi có rất nhiều người bạn biết về phong tục tập quán họ nhiều hơn tôi, chữ Thái cũng biết hơn tôi. Nhưng, họ vẫn nói với tôi rằng họ chỉ biết như vậy thôi nhưng không dạy được cho mọi người, và cái duyên đến với nghề giáo cũng vì như vậy”, ông Bình nói. Tình cờ, năm 2006, xã Châu Cường mở câu lạc bộ học chữ Thái cổ và họ mời ông đứng lớp học này. Từ lúc đó mọi người đã gọi ông là thầy giáo.

Ông Sầm Văn Bình thường xuyên ghi chép, tìm hiểu và cố gắng nắm bắt hết tất cả những tâm linh, phong tục tập quán và chữ viết đồng bào Thái. Ảnh: Bích Huệ
Ông Sầm Văn Bình thường xuyên ghi chép, tìm hiểu và cố gắng nắm bắt hết tất cả những tâm linh, phong tục tập quán và chữ viết đồng bào Thái. Ảnh: Bích Huệ

Ông Sầm Văn Bình nhớ lại, lần đầu đứng lớp, người theo học chủ yếu là cán bộ cốt cán của xã, rồi lại có người già, trẻ con. Lớp học của ông không có giáo viên dự giờ nhưng trách nhiệm thì lớn lắm. Ông dạy không có giáo án vì tài liệu là do ông tự soạn nhưng trước khi đi dạy ông cũng gạch đầu dòng những ý mình cần truyền đạt. Rồi phải nghĩ nói như thế nào để bà con hiểu bài học của mình. "Chữ Thái thực sự không quá khó. Nếu mới nhìn, chúng ta thấy như một khu rừng. Nhưng nếu biết quy luật, mặt chữ, cách đánh vần thì sẽ học rất nhanh", ông Bình chia sẻ.
 
Đến nay đã 13 năm đi dạy nhưng điều thú vị là từ chương trình đầu tiên ông biên soạn cho lớp học ở Châu Cường cho đến nay nội dung không thay đổi nhiều với 20 bài. Tuy nhiên, vì xác định dạy cho cộng đồng nên bài học của ông khá đơn giản, học sinh học lớp 7, lớp 8 chỉ cần học 10 buổi là có thể biết đọc, biết viết. Trong mỗi bài giảng, ông cố gắng lồng ghép những câu chuyện, những bài dân ca, những cây hát đối đáp của đồng bào dân tộc Thái để mỗi người hào hứng hơn với bài học.
 
Bên cạnh đó, việc ghi chép từ yêu cầu của người bố cũng giúp ông đến gần hơn với chữ Thái Lai -Tay. Chẳng hạn, khi ghi chép lại các bài cúng của các thầy mo, ông rất tò mò muốn biết bài cúng ấy nói gì, viết gì, đặc biệt là các từ cổ. Thế rồi, tích lũy dần ông bắt đầu chuyển sang nghiên cứu chữ Thái.

Bộ sách dạy học chữ Thái hệ Lai - Tay gồm 5 cuốn theo từng chủ đề của ông Sầm Văn Bình được sử dụng rộng rãi ở các lớp học chữ Thái hiện nay. Ảnh: Bích Huệ
Bộ sách dạy học chữ Thái hệ Lai - Tay gồm 5 cuốn theo từng chủ đề của ông Sầm Văn Bình được sử dụng rộng rãi ở các lớp học chữ Thái hiện nay. Ảnh: Bích Huệ

Vạn sự khởi đầu nan, nhiều thứ ông phải học và tích lũy dần dần. Sau này ông được mời tham gia Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chữ Thái ở Châu Cường và đảm nhận công việc biên soạn Tài liệu hướng dẫn và truyền dạy, phổ biến chữ Thái tại Câu lạc bộ. Nhưng đến khi được Phòng Công thương huyện Quỳ Hợp khuyến khích làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tên "Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy, học chữ Thái hệ Lai -Tay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An" thì ông mới chính thức làm việc một cách nghiêm túc. Dù không được nhận giải nhưng đề tài của ông sau đó đã được tỉnh Nghệ An chọn phát triển thành Dự án “Mở rộng mô hình dạy học chữ Thái hệ Lai -Tay trên địa bàn huyện Qùy Hợp, Nghệ An”. Năm 2017, Đề tài này đã được tặng giải xuất sắc trong cuộc thi Sáng tạo khoa học Công nghệ của tỉnh Nghệ An.

Việc được tham gia dự án trong ba năm cũng giúp ông trưởng thành và ông biết thế nào là làm khoa học. Ông bảo: “Mọi thứ không ngẫu nhiên và cũng không dễ dàng. Trước đây tôi nghiên cứu chữ Thái gần như đơn độc. Sau này, nhờ có mạng internet, tôi đã kết nối được với nhiều người cùng quan tâm, cùng đam mê và chúng tôi chia sẻ được với nhau, tạo động lực để theo đuổi đam mê của mình”.
 
Qua dự án này, ông cũng nghiên cứu và thiết kế thành công 5 font chữ Thái cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính. Đó là các font chữ Thái thuộc các hệ chữ Thái Lai- Tay, Lai- Xư- Thanh và Lai- Pao được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái của tỉnh Nghệ An. Các font chữ này hiện đang được sử dụng cho chuyên mục "Bảo tồn vốn cổ" của báo Nghệ An cuối tuần. Đặc biệt, ông đã biên soạn xong bộ Tài liệu dạy học chữ Thái và in được Bộ sách dạy học chữ Thái hệ Lai - Tay gồm 5 cuốn theo từng chủ đề và được sử dụng rộng rãi ở các lớp học chữ Thái hiện nay.
 
* Nếu là việc tốt thì hãy làm
 
Ít ai biết rằng ông Sầm Văn Bình đã từng tốt nghiệp Trường Đại học Đường thủy (Đại học Hàng hải ngày nay). Nhưng cuộc sống đã để ông sang một lối rẽ khác. Cho đến nay, ông chưa bao giờ nghĩ rằng, mình sai lầm khi chọn Trường Đại học Đường thủy bởi đó là ước mơ của mình đã nhen nhóm từ ngày nhỏ. Nhưng không được theo nghề, ông cũng không còn tiếc nuối. Bởi ông suy nghĩ, khi mình bắt đầu công việc nghiên cứu về một vấn đề sẽ đòi hỏi mình phải có tư duy, có logic. Và điều này, ông may mắn đã được trang bị ở trường đại học. “Có chăng, trước đây mình làm về khoa học tự nhiên nay chuyển sang khoa học xã hội, phương thức vẫn thế, cách làm vẫn thế, chỉ khác nhau về nguyên liệu và sản phẩm”, ông Bình cho biết.

Ông Sầm Văn Bình truyền dạy chữ Thái cho thế hệ trẻ. Ảnh: Bích Huệ
Ông Sầm Văn Bình truyền dạy chữ Thái cho thế hệ trẻ. Ảnh: Bích Huệ

Hiện nay, hàng ngày ông vẫn miệt mài với lịch trình đi, nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy văn hóa Thái. Với riêng chữ Thái thì ông cơ bản hài lòng vì đã làm được khoảng 90% mục tiêu đặt ra. Hiện, việc truyền dạy chữ Thái của ông được tiến hành song song ở cả ba kênh: trực tiếp dạy theo kế hoạch của Câu lạc bộ chữ Thái hoặc của UBND xã (như Châu Cường, Châu Quang); dạy tại lớp đào tạo giáo viên cho Dự án Lai - Tay và các lớp cộng đồng; dạy chữ Thái theo kế hoạch của các Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và ở Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện như Quỳ Hợp, Anh Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông.
 
Thực hiện mục tiêu của Dự án về truyền dạy chữ Thái, ông cũng đào tạo được 10 giáo viên có thể truyền dạy chữ Thái trong cộng đồng. Từ cuối năm 2018 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đang làm hồ sơ đề nghị đưa chữ Thái thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông cũng tin rằng bên cạnh chữ Thái, ngôn ngữ Thái và rất nhiều giá trị truyền thống khác, kể cả của dân tộc Thái và các dân tộc khác bằng cách này hay cách khác, cũng đang được những người tâm huyết giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
 
“Điều tôi mong muốn hiện nay, đó là sẽ có nhiều hơn nữa những bạn trẻ tiếp cận hơn với chữ Thái và văn hóa Thái. Tuy vậy, điều này có lẽ còn nhiều khó khăn vì cũng như nhiều vùng quê khác hiện nay người trẻ lớn lên chủ yếu đi làm ăn xa, không có nhiều điều kiện để tiếp cận với phong tục tập quán của dân tộc”, ông Sầm Văn Bình trăn trở.  
 
Bằng những việc ông đã làm, đã cống hiến, những nỗ lực của ông đã được ghi nhận. Ông là một trong mười hai cá nhân tiêu biểu của cả nước được tuyên dương điển hình tiên tiến về Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 vào ngày 19/8 tới đây.
 
“Khi nhận được kết quả này, tôi thực sự vui mừng. Tôi cũng không xem đây là một thành tích và sẽ không phải “gồng mình”. Trước kia tôi vẫn nghĩ làm một điều to lớn thì rất khó. Nhưng, giờ thì tôi nghĩ rằng, nếu có việc gì tốt thì mình cứ làm thôi, một người tốt thì cả xã hội sẽ tốt, tốt cho mình và tốt cho cả người khác. Với văn hóa Thái, việc sưu tầm, nghiên cứu cũng là một công việc rất lâu dài và tôi vẫn miệt mài theo đuổi, không biết điểm nào là điểm cuối”, ông Bình tâm sự.
 
“Những đóng góp của ông Sầm Văn Bình đối với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quỳ Hợp nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung có sức lan tỏa rất sâu rộng. Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đều ghi nhận đóng góp của ông Sầm Văn Bình đó là ông đã lưu giữ hồn cốt chữ viết của đồng bào Thái mà từ trước tới nay chưa ai làm được việc này. Đồng bào Thái huyện Quỳ Hợp rất thán phục sự đam mê truyền dạy chữ Thái và giữ hồn cốt chữ Thái của ông Bình. Có thể thấy, ông Bình là một cá nhân tiêu biểu với những việc làm nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy, truyền đạt kiến thức để lưu giữ văn hóa Thái đã có sức hấp dẫn cuốn hút các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, học tập. Ông Sầm Văn Bình giờ trở thành người Thầy trong lòng đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An”, bà Đào Thị Hồng Vân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Quỳ Hợp cho biết./.

Bích Huệ

Có thể bạn quan tâm