Người Cơ Tu khóc trâu

Người Cơ Tu khóc trâu
Người Cơ tu tiến hành nghi lễ đâm trâu vào các sự kiện trọng đại của gia đình, làng bản. Như đâm trâu để trừ dịch bệnh, khi làm nhà mới, khi dựng vợ gả chồng hay khánh thành ngôi nhà Gươl. Lễ đâm trâu lớn nhất diễn ra trong nghi lễ xóa bỏ hận thù giữa hai làng.
 
Theo Tiến sỹ Lưu Hùng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ở các địa phương khác còn có tục đâm bò, nhưng người Cơ tu thậm chí còn kiêng kỵ. Vì theo tín niệm của họ thì màu lông bò giống màu máu, màu cầu vồng, mà màu của cầu vồng lại liên quan đến cái chết xấu mà người Cơ tu rất sợ.
 
Khi tiến hành nghi thức đâm trâu, người phụ nữ tỏ ra thương xót và vỗ về an ủi con vật hiến sinh. Họ giải thích với con trâu rằng họ không muốn giết nó đâu, nhưng buộc phải làm thế để dâng cho thần linh. Mong con trâu hãy hiểu và thông cảm cho người. Sau khi chết, hồn trâu hãy phù hộ cho dân làng, đừng làm hại hay oán trách gì.
 
Người Cơ tu khóc trâu. Ảnh: KT
Người Cơ tu khóc trâu. Ảnh: KT

Người Cơ tu còn sợ linh hồn con trâu giận dữ, sợ con trâu sẽ trả thù bằng nhiều cách khác nhau. Cho nên họ phủ lên mình trâu những lễ vật như gạo, vải, chiêng, để trâu chết về thế giới bên kia cũng no đủ.
 
Khi con trâu hiến sinh bị đâm chết, dân làng sẽ mời thần linh nhận vật hiến sinh, mong thần linh hãy đón nhận và phù trợ cho dân làng bằng một cách hết sức đặc biệt. Trên đỉnh cây cột gỗ, người Cơ tu đan một cái phễu bằng nan. Người ta dùng chóp đuôi của con trâu hiến sinh và con gà trống tung lên, nếu rơi vào cái phễu nan coi như đó là điềm may. Nếu chưa tung trúng, họ phải thao tác lại khi nào rơi trúng phễu mới thôi.
 
Khi mọi thủ tục đã hoàn tất, trâu được đem xẻ thịt, các bộ phận như lòng, gan, tim, phổi được luộc chín để cúng thần linh. Phần thịt trâu được đem đi chế biến các món ăn, số còn lại đem chia đều cho dân làng. Mọi người cùng nhau ăn uống, hát hò trong không gian nồng ấm, đậm tình đoàn kết. 
 
Theo vov4.vov.vn

Có thể bạn quan tâm