Nét đẹp xây dựng nông thôn mới qua những giai điệu đờn ca tài tử

Nét đẹp xây dựng nông thôn mới qua những giai điệu đờn ca tài tử
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (giai đoạn 2014 - 2020), từ ngày 29-31/7,  Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An tổ chức Hội thi đờn ca tài tử năm 2019 với chủ đề “Xây dựng nông thôn mới”. Đây là cách để thổi luồng gió mới vào đờn ca tài tử, đồng thời góp phần cổ vũ tinh thần nhân dân trong xây dựng nông thôn mới thông qua loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Nhân tố trong xây dựng nông thôn mới

“Hò ơi, ai về quê mẹ Long An, ghé thăm xứ sở đồng hoang bưng biềng
  Một thời lửa đạn chiến chinh, nay đồng mẫu lớn…
  Hò ơi, nay đồng mẫu lớn thanh bình ấm no”

Câu hát da diết mở đầu bài thi của anh Bùi Minh Phúc, ở xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành (Long An) khiến người nghe cảm nhận rõ về vùng đất Long An anh dũng, kiên trung ngày xưa và một Long An trù phú, ấm no ngày nay.

Anh Bùi Minh Phúc cho biết, anh năm nay 34 tuổi, là người mê đờn ca tài tử từ nhỏ. Những câu ca mượt mà, đằm thắm ấy đã ngấm vào anh qua lời ru của mẹ, của chị, nên khi 4-5 tuổi, anh đã biết bập bẹ hát những câu hát quen thuộc. Năm 2011, anh tham gia Câu lạc bộ đờn ca tài tử thành phố Tân An và các lớp học do thầy cô trong câu lạc bộ mở.

Là nông dân, công việc chính của anh là chăm sóc vườn thanh long rộng 5.000 m2. Tuy nhiên, vì mê đờn ca tài tử nên hằng tuần, anh Bùi Minh Phúc vẫn chạy xe lên thành phố Tân An tham gia sinh hoạt câu lạc bộ và các lớp học đờn ca mà anh yêu thích.

Nghệ nhân Bùi Minh Phúc, huyện Châu Thành tại hội thi đờn ca tài tử. Ảnh: Đức Hạnh- TTXVN
Nghệ nhân Bùi Minh Phúc, huyện Châu Thành tại hội thi đờn ca tài tử.
Ảnh: Đức Hạnh- TTXVN

Anh Phúc cho biết, anh rất vui khi được tham gia Hội thi đờn ca tài tử năm nay. “Những cuộc thi như thế này giúp những người nông dân như chúng tôi được đứng trên sân khấu biểu diễn. Tôi cũng rất thích chủ đề xây dựng nông thôn mới của cuộc thi lần này, bởi nó góp phần cổ vũ, động viên và kêu gọi người dân tích cực hơn trong xây dựng nông thôn mới”, anh Bùi Minh Phúc chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Trắng, ở huyện Tân Trụ cho biết, là nông dân nuôi tôm nhưng chị rất yêu văn nghệ. Vì vậy, chị dành nhiều thời gian để tập luyện ca hát. Chị cũng rất vui khi được đứng trên sân khấu để hát những giai điệu đờn ca tài tử có đề tài về xây dựng quê hương đất nước.

“Những cuộc thi như thế này cần được tổ chức thường xuyên, giúp phong trào đờn ca tài tử lan rộng hơn trong nhân dân, ai hát chưa hay thì ráng tập luyện học hỏi nhiều để hát hay hơn nữa”, chị Hồng Trắng bày tỏ.

Hội thi Đờn ca tài tử năm 2019 có khoảng 100 tiết mục từ 14 đơn vị huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Long An và các thí sinh tự do. Hội thi là dịp để các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca trong tỉnh có dịp hội ngộ, thi diễn tài năng. Từ đó chọn ra những nhân tố mới, từng bước nâng cao chất lượng phát triển phong trào đờn ca tài tử của tỉnh Long An thời gian tới, góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử. Chủ đề “Xây dựng nông thôn mới” của Hội thi năm nay nhằm đẩy mạnh hoạt động sáng tác, biểu diễn, góp phần cổ vũ phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Nói về chủ đề, nhiều nghệ nhân tham gia Hội thi chia sẻ, việc lồng ghép các nội dung mới, mang tính thời sự vào đờn ca tài tử rất dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, chủ đề xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hợp với lòng dân. Việc thực hiện tuyên truyền, vận động qua lời ca tiếng hát, bằng nghệ thuật dân tộc rất có ý nghĩa và hiệu quả. Từ đó giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển quê hương, đất nước.

Lan tỏa phong trào đờn ca tài tử

Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa, Trưởng Ban giám khảo Hội thi cho biết: Các nông dân tham gia Hội thi tuy chưa được đào tạo bài bản, nhưng có giọng ca rất tốt, bà con hát bằng tình yêu với nghệ thuật đờn ca tài tử nghe rất truyền cảm... Hội thi lần này phát hiện khá nhiều người có giọng ca rất hay. Nghệ nhân Tấn Khoa đồng thời bày tỏ hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều hội thi nữa để phát hiện, đào tạo thêm những nghệ nhân đờn ca tài tử mới, nhất là các nghệ nhân đờn.

“Tôi hy vọng qua các Hội thi đờn ca tài tử có thể phát hiện những nghệ nhân đờn trẻ tuổi, để từ đó đào tạo, tập huấn thêm nhiều nghệ nhân đờn chất lượng, chuyên nghiệp cho các huyện, thị, thành phố. Vì ở đâu có nghệ nhân đờn, thì ở đó phong trào đờn ca tài tử sẽ phát triển mạnh”, Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa nói.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Mong, huyện Tân Trụ tại hội thi đờn ca tài tử. Ảnh: Đức Hạnh- TTXVN
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Mong, huyện Tân Trụ tại hội thi đờn ca tài tử. Ảnh: Đức Hạnh- TTXVN

Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa cho biết, với mong muốn đưa nghệ thuật đờn ca tài tử đến gần hơn với giới trẻ, đặc biệt là đưa vào một số tiết học trong trường học tại địa phương, ông đã có nhiều hoạt động giảng dạy tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều trường học đã đưa những tiết giảng dạy nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học, tạo điều kiện cho các em tìm hiểu, làm quen và thêm yêu ca nhạc dân tộc. Qua đó góp phần giữ gìn nếp sống văn hóa của dân tộc, tránh những tệ nạn xã hội trong trường học. 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, Hội thi góp phần bảo tồn và tiếp tục phát huy những giá trị to lớn của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, chứng minh sức sống, sự lan tỏa của văn hóa truyền thống Long An trong dòng chảy hội nhập của văn hóa dân tộc. Hội thi cũng giới thiệu với bạn bè trong, ngoài tỉnh về một vùng đất không chỉ trung dũng, kiên cường trong đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn là vùng quê sông nước hiền hòa và sâu lắng nghĩa tình.
Đức Hạnh

Có thể bạn quan tâm