Lịch sử hình thành và phát triển Nhã nhạc Cung đình Huế

Lịch sử hình thành và phát triển Nhã nhạc Cung đình Huế
Thể thức của loại hình Nhã nhạc này thể hiện tính Vương quyền, tính uy nghi, hoành tráng của Triều đại. Nhã nhạc Cung đình Huế được xem là loại hình âm nhạc chính thống, là Quốc nhạc, được sử dụng trong các cuộc tế lễ của Triều đình (như lễ Đăng quang, lễ Băng hà, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã tắc, và nhiều lễ trang nghiêm khác...). Loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho Vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của Triều đại. Chính vì vậy, các Vua nhà Nguyễn đã coi trọng việc phát triển Nhã nhạc Cung đình. Qua từng thời kỳ lịch sử, âm nhạc Cung đình được kế thừa và tiếp tục phát huy phục vụ cho các Vương triều phong kiến.

Dưới thời Vua Đinh thế kỷ X đã có nhã nhạc nhưng do tình hình lịch sử và hoàn cảnh lúc bấy giờ nên không thấy có tư liệu nào để lại và đến thời Tiền Lê cũng vậy.

Nhã nhạc Cung đình thời Lý - Trần đã bộc lộ khá rõ nét. Sử sách ghi lại những vũ điệu Cung đình nhà Lý có ảnh hưởng của Chiêm Thành. Đến thời Trần, sinh hoạt ca múa Cung đình phong phú về loại hình và bài bản, có tổ chức dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc. Qua sử sách và thư tịch cổ cho thấy dưới Triều Vua Lê Thánh Tông đã đạt được những thành tựu rất cao trong việc xây dựng thiết chế, ổn định tổ chức và phong cách âm nhạc trong Triều đình, có thể thấy qua sự kiện lịch sử về vụ tranh chấp giữa nhóm Nguyễn Trãi và Lương Đăng xung quanh việc chế định Nhã nhạc Triều Lê Thánh Tông. Cùng với đó, thiết lập các “Bộ” Đồng Văn, Nhã nhạc và “Ty” Giáo phường, những cơ quan Nhà nước chuyên trách việc nghiên cứu, sáng tác, đào tạo, quản lý các hoạt động nhã nhạc trong Triều cũng như ngoài dân gian. Thời kỳ này, Nhã nhạc được ổn định và chính thức hoá ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam: lý thuyết “5 cung 7 thanh”, các điệu thức Bắc, Nam, Huỳnh, Pha… Thời kỳ này bắt đầu có sự phân biệt nhạc khí Cung đình với nhạc khí dân gian.
 
Nhã nhạc Cung đình Huế được phát triển với sự đa dạng và phong phú về thể loại. (Ảnh: TL)
Nhã nhạc Cung đình Huế được phát triển với sự đa dạng và phong phú về thể loại. (Ảnh: TL)

Dưới thời Lê, Mạc, Trịnh - Nguyễn, Nhã nhạc Cung đình trải qua thời kỳ suy thoái do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1623-1634) lập ra một hệ thống Lễ nhạc, Triều nhạc mới. Hòa thanh thự của các chúa là tổ chức âm nhạc Cung đình lớn của Đàng trong gồm ban nhạc, đội ca, đội múa đông đảo.

Đến thời Nguyễn (1802-1945), vào nửa đầu thế kỷ XIX, âm nhạc Cung đình phát triển trở lại. Những thiết chế tổ chức từ Triều Lê đã được kế thừa và phát triển rộng rãi, đặc biệt ca kịch Cung đình được đẩy lên một trình độ cao dưới thời Vua Nguyễn. Môi trường diễn xướng xuất hiện với sự đầu tư của Triều đình rất công phu, lần lựợt nhà hát Duyệt Thị Đường, Minh khiêm Đường ra đời. Nhã nhạc Triều Nguyễn đã sử dụng hàng trăm nhạc chương có lời ca bằng chữ Hán. Phần lớn các nhạc chương đều do quan Bộ Lễ hoặc Hàn Lâm viện biên soạn có nội dung phù hợp với các cuộc lễ của Triều đình.

Ngoài ra, trong cuốn Minh Mạng chính yếu  còn ghi lại những chi tiết về nhạc Lễ Cung đình, đây chính là tài liệu có giá trị lịch sử rất quý báu để nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc Cung đình Huế.       

Theo lịch sử ghi nhận, thời kỳ vàng son của âm nhạc Cung đình Việt Nam là dưới Triều Nguyễn trước khi Kinh đô Phú Xuân (Huế) thất thủ vào năm 1885. Hai tài liệu chủ yếu là “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (đầu thế kỉ XIX) và “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của Quốc sử quán (giữa thế kỉ XIX) cho biết: Từ sau khi Gia Long lên ngôi đến khi Tự Đức mất (1883), âm nhạc Cung đình Phú Xuân bây giờ quen gọi là Nhã nhạc Cung đình đã được phục hồi, chấn chỉnh và phát triển mạnh. Các loại giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc, Cung trung chi nhạc đã ảnh hưởng qua lại nhiều với nhạc cổ điển thính phòng (ca Huế, đờn Huế) và nhạc tuồng cổ điển, Cung đình (thanh nhạc và nhạc múa của hát bội Huế). Đáng chú ý là nhiều nhà hát, rạp hát lớn nhỏ của Vua, đại thần và dân thường được xây dựng làm nơi biểu diễn nhạc Cung đình, nhạc cổ điển, hát bội hay nhạc dân gian: Duyệt Thị Đường trong Hoàng thành, Minh Khiêm Đường trong lăng Tự Đức, Cửu Tư Đài trong Cung Ninh Thọ, rạp hát ông Hoàng Mười, nhà hát Mai Viên tại Tư dinh Thượng thư Đào Tấn, rạp hát ông Sáu Ớt (Nguyễn Nhơn Từ), rạp hát gia đình họ Đoàn (ở An Cựu), rạp hát bà Tuần (tồn tại đến 1975).
Theo lịch sử ghi nhận, thời kỳ vàng son của âm nhạc Cung đình Việt Nam là dưới Triều Nguyễn trước khi Kinh đô Phú Xuân (Huế) thất thủ vào năm 1885. (Ảnh: TL)
Theo lịch sử ghi nhận, thời kỳ vàng son của âm nhạc Cung đình Việt Nam là dưới Triều Nguyễn trước khi Kinh đô Phú Xuân (Huế) thất thủ vào năm 1885. (Ảnh: TL)

Dưới thời Vua Gia Long (1802-1819), “Việt tương đội” là một tổ chức âm nhạc Cung đình lớn được thành lập với 200 nghệ nhân. Vua lại cho dựng đài Thông minh, một sân khấu ca múa nhạc và hát bội trong Cung Ninh Thọ.

Dưới thời Vua Minh Mạng (1820-1840) cho xây dựng Nhà hát lớn Duyệt Thị Đường (1824), đổi Việt tương đội thành Thanh bình thự, lập thêm một đội nữ nhạc với 50 ca nữ, vũ nữ, lại cho xây dựng Nhà thờ các tổ sư nghệ thuật âm nhạc và hát bội Huế: Thanh Bình từ đường (1825). Trước nhà thờ dựng một tấm bia, một sân khấu hát bội và ca vũ nhạc. Theo Văn bia ghi nhận vào đời Minh Mạng, nghệ thuật âm nhạc và sân khấu đã phát triển ở mức cao hơn, hoành tráng hơn. Trong cuốn Đại Nam thực lục đã ghi lại lời của Vua với các quan như sau: “... Trẫm thấy là buổi đầu gây dựng, lễ nhạc còn thiếu, thường muốn sáng chế mà chưa nắm được cốt yếu... Nay tuy nhạc xưa đã bỏ mất, mà đồ bát âm còn có thể khảo được. Nên tìm người hiểu âm nhạc cùng bọn các ngươi chế tác” .

Đến đời Vua Tự Đức (1841-1883), âm nhạc cổ điển, Nhã nhạc Cung đình và hát bội Cung đình đạt tới đỉnh cao. Nhà Vua cho xây dựng Nhà hát Minh Khiêm Đường (1864) trong Khiêm cung (sau khi Vua mất gọi là Khiêm lăng). Tương truyền chính Tự Đức đã sáng tác bản nhạc Tứ đại cảnh nổi tiếng. Là người say mê thơ, nhạc và hát bội hơn chính trị, Vua lập nên Hiệu thơ phòng để cùng các danh nho trong Triều đình xướng họa thơ văn, thưởng thức âm nhạc, sáng tác hay nhuận sắc các vở hát bội.

Từ năm 1858-1885, thực dân Pháp gây hấn và bắt đầu xâm lược nước ta từ Đà Nẵng, rồi chiếm dần Nam Bộ, Bắc Bộ. Tháng 8-1885, Kinh đô Phú Xuân Huế thất thủ, các Vua Nguyễn sau Tự Đức đều được Pháp đưa ra làm vì, mất hết quyền bính. Đời sống Cung đình tẻ nhạt, nên âm nhạc Cung đình cũng không được quan tâm, đầu tư và phát triển.
 
Nhã nhạc Cung Đình Huế là một sự kế thừa và phát triển qua các triều đại phong kiến Việt Nam. (Ảnh: TL)
Nhã nhạc Cung Đình Huế là một sự kế thừa và phát triển qua các triều đại phong kiến Việt Nam. (Ảnh: TL)

Năm 1889-1925, Vua Thành Thái lập “Võ can đội”, rồi thêm một đội “Đồng ấu” (nghệ nhân thiếu niên, làm dự bị cho Võ can đội), nhưng tất cả đều hoạt động cầm chừng. Năm 1914-1944, Tập san “Những người bạn cố đô Huế” (Bulletin des Amis du Vieux Huế) ra đời và xuất bản tổng cộng 120 tập, trong đó có nhiều bài nghiên cứu có giá trị về nhạc Huế được công bố, nổi bật nhất là công trình của nhạc sĩ cổ điển Hoàng Yến (1919): “Âm nhạc ở Huế, đàn nguyệt và tranh”.

Năm 1925-1945, dưới thời Vua Bảo Đại, “Võ can đội” thời Vua Thành Thái được đổi thành “Ba vũ đội” gồm cả một đội Đại nhạc và một đội Tiểu nhạc, tổng cộng khoảng 100 nghệ nhân hoạt động rời rạc, trong lúc chờ đợi làm nhiệm vụ chính: tham gia phục vụ Lễ Tế Nam giao. Năm 1942, Nhã nhạc Cung đình Huế được biểu diễn trong cử hành Lễ Tế Nam giao, đây cũng là lần cuối cùng nhã nhạc được sử dụng phục vụ trong Cung đình Triều Nguyễn. Ngày 31-8-1945, khi Hoàng đế cuối cùng của Triều Nguyễn thoái vị, nhã nhạc Cung đình không còn có cơ hội để sử dụng và phát triển. Cuối thời Nguyễn, Triều đình chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc và Tiểu nhạc bên cạnh dàn Quân nhạc ảnh hưởng từ văn hoá Phương Tây. Nhiều bài bản bị rơi vào quên lãng, biên chế các dàn nhạc bị thu hẹp, biến dạng, nhiều dàn nhạc và nhạc cụ bị biến mất hoàn toàn khỏi dàn nhạc Cung đình. Âm nhạc Cung đình Huế mất đi vị trí chức năng xã hội, môi trường diễn xướng nguyên thủy, đi vào suy thoái và có nguy cơ thất truyền. Mãi cho đến những năm cuối thế kỷ XX, Nhã nhạc dần dần được phục hồi, và rồi đạt được một vị thế mới trên trường quốc tế khi trở thành Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại vào tháng 11-2003. Công cuộc bảo tồn và phát huy di sản Nhã nhạc còn không ít khó khăn đặt ra trước mắt. Việc nghiên cứu, tìm hiểu về cội nguồn lịch sử của nó là một trong những tiền đề quan trọng để di sản văn hoá thế giới này được bảo vệ một cách tốt nhất.    

Như vậy, Nhã nhạc Cung Đình Huế là một sự kế thừa và phát triển qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Theo đánh giá của UNESCO, “trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia”. “Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ XIII  ở Việt Nam đến thời nhà Nguyễn thì Nhã nhạc Cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất”. Hy vọng rằng với sự quan tâm của Nhà nước, cộng đồng quốc tế, chính quyền địa phương, cũng như những nghệ nhân còn sống và thế hệ trẻ sẽ cùng chung tay góp sức khôi phục và phát triển dòng nhạc “uyên bác” này.
Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm