Lịch Đoi trong đời sống văn hóa của người Mường Bi

Lịch Đoi trong đời sống văn hóa của người Mường Bi
Lịch Đoi hội tụ những tri thức dân gian của người Mường Bi, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình về mùa vụ, đoán định thời tiết, đoán định ngày tốt xấu… dựa trên sự tuần hoàn của sao Đoi và mặt trăng. Tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của người Mường Bi đều dựa vào cách tính cát hung của bộ lịch Đoi.

Cách tính vụ mùa từ lịch Đoi

Biểu hiện rõ nét nhất sự ảnh hưởng của lịch Đoi trong sản xuất nông nghiệp ở Mường Bi đó là vai trò của lịch trong lễ hội Khai Hạ (Xuống đồng). Đây là lễ hội nông nghiệp lớn nhất ở vùng Mường Bi. Trước đó, họ vẫn làm những công việc đồng áng, tuy nhiên trong tâm thức của người Mường ở Mường Bi thì chỉ sau ngày Khai Hạ được tính theo lịch Đoi thì họ mới chính thức bắt tay vào công việc sản xuất vụ mùa mới. Từ lịch Đoi mà người Mường đã đúc kết thành những câu tục ngữ: “Kháng Hai, kháng Pa đã hết lọ nà đi là trên rọong (Tháng Hai, tháng Ba đã hết lúa nước thì đi trồng lúa nương).
Bộ lịch Đoi của người Mường Bi.
Bộ lịch Đoi của người Mường Bi.

Ngoài việc được áp dụng trong tính vụ cấy thì lịch Đoi còn được vận dụng trong việc đánh bắt. Trong các tháng của lịch Đoi thể hiện ngày mưa, ngày cá nên người dân trong vùng Mường có thể biết được cách tính ngày đi đánh bắt cá. Vào những ngày này, người dân Mường Bi thường chuẩn bị nơm, giỏ, vó… để đánh bắt. Tuy nhiên, trước khi đi đánh cá họ cũng phải xem giờ để đi, tránh giờ xấu. Nếu đi đúng giờ xấu thì dù ngày đó là ngày cá nhưng cũng sẽ không bắt được cá.

Trong nghi thức tín ngưỡng

Ngoài việc xem thế sự để tiến hành làm ăn, cưới hỏi thì các nghi thức tín ngưỡng cũng là một công việc sử dụng tới lịch Đoi rất nhiều. Thông qua lịch Đoi, các thầy mo, thầy cúng có thể biết được nguyên nhân tại sao người ốm lại bị ốm, hay họ đi vào giờ nào nên bị như vậy…. Trong đám ma, thầy cúng thường xem ngày chôn và giờ chôn người chết thông qua lịch Đoi.
Người Mường là một dân tộc có tín ngưỡng đa thần, do đó họ thờ thần thổ địa, thần sông, thần núi…. Việc thực hành các nghi thức tín ngưỡng với các vị thần cũng được người Mường Bi dựa theo cách tính lịch Đoi.

Lễ hội của người Mường Bi

Lễ hội là một hình thức sinh hoạt cộng đồng, là ngày hội của tất cả mọi người do đó ngày được chọn làm ngày hội phải là ngày tốt lành đối với tất cả mọi người. Theo lịch Đoi, các ngày tốt cho lễ hội là các ngày phải mát mẻ, xem trong lịch không có điềm xấu. Những ngày tổ chức lễ hội, trên lịch không được khắc vạch thể hiện đó là ngày mưa, ngày bão và đặc biệt không được ngày Đoi. Bởi vậy, người Mường Bi đã chọn ngày theo lịch Đoi để tránh lễ hội diễn ra vào các ngày xấu.
Lễ hội của người Mường theo lịch Đoi.
Lễ hội của người Mường theo lịch Đoi.

Họ chọn một ngày tốt để bắt đầu lễ hội và chọn một giờ lành để tiến hành phần lễ. Người Mường Bi quan niệm chỉ có giờ lành giờ tốt thì thần linh mới có thể chứng giám và phù hộ cho những lời cầu xin của họ. Thường ngày và giờ làm lễ hội là do các thầy Mo có uy tín trong vùng xem lịch Đoi và đưa ra quyết định.

Lịch Đoi trong tập quán dựng nhà

Làm nhà mới là một công việc rất lớn đối với người Mường ở Mường Bi, chính vì thế từ khi bắt đầu đào móng nhà họ đã phải tiến hành xem ngày tốt để làm. Có một ngày theo quan niệm của người Mường Bi nếu làm nhà sẽ thuận lợi và tốt đẹp, mọi công việc sẽ vẹn toàn nhất. Đó là ngày Cây tha. Người Mường Bi có câu: “Là mùa cây tha, là nhà cây trong” (Làm mùa vụ vào ngày cây tha, làm nhà vào ngày cây trong). Họ cho rằng những ngôi nhà được chọn làm vào các ngày ấy thì ngôi nhà sẽ trở nên vững chắc, kín đáo và không ai có thể làm điều gì xấu xa hay động chạm tới ngôi nhà của họ.
Người Mường làm nhà mới.
Người Mường làm nhà mới.

Với người Mường, lợp mái nhà là công đoạn quan trọng nhất trước khi hoàn thành ngôi nhà mới. Công việc lợp mái được gia chủ xem trong lịch Đoi xem tuổi của ai sẽ hợp với tuổi của gia chủ sẽ là người đặt cây tre cuối cùng lên nóc nhà, nghi thức này được người Mường gọi là lắp toóc nhà. Họ rất quan tâm tới công việc này vì đây được coi là một thể thức tâm linh đặc biệt trong việc làm nhà mới.

Lịch Đoi trong hôn nhân

Cưới xin trong phong tục tập quán của người Mường Bi, Tân Lạc thường không thể bỏ qua các yếu tố tâm linh. Từ ngày được chọn để dạm ngõ đến việc ấn định ngày cưới đều phải hỏi thầy Mo để xin ngày lành tháng tốt. Trong lịch Đoi, những tháng Cây trong là những tháng phù hợp cho việc cưới xin. Các tháng đó là tháng Hai và tháng Ba (tương ứng tháng 11 và tháng 12 âm lịch). Đây là các tháng được coi là tháng đại an, mọi sự như ý. Người Mường nơi đây thường nói: ‘‘Kháng Cây trong thong đong ăn cưới’’ (Tháng Cây trong thường đi khắp nơi để ăn cưới). Trong khi tiến hành hôn lễ, thầy cúng cũng phải chọn giờ tốt để cho đoàn rước đi rước dâu và đón dâu mới về nhà. Giờ đi đón dâu và rước dâu về nhà chồng được chọn vào giờ Khóa rỏ. Khi về đến nhà thầy cúng tiếp tục xem giờ theo lịch Đoi để cúng ông bà tổ tiên. Có thực hiện được như vậy thì gia đình mới được yên ấm, vợ chồng hạnh phúc, ăn nên làm ra, con cháu đầy đàn.

Lịch Đoi trong tất cả các mặt đời sống của người dân Mường Bi dù ít hay nhiều, sâu sắc hay không tùy vào từng khía cạnh khác nhau. Đoi là một loại lịch pháp giúp người dân đoán định được ngày giờ tốt, xấu, cách xác định được vụ mùa nông nghiệp và quan trọng là nó giúp người dân yên tâm và ổn định về mặt tinh thần khi tuân theo nhũng quy luật và cách tính của lịch Đoi.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm