Lễ rước nước - nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Đền Trần ở Thái Bình

Lễ rước nước - nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Đền Trần ở Thái Bình
Đoàn thực hiện nghi lễ rước nước. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
 Đoàn thực hiện nghi lễ rước nước. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Một trong những nghi lễ đầu tiên của lễ hội chính là Lễ rước nước, tái hiện cuộc sống trước kia của tổ tiên nhà Trần trước khi lên làm vua gắn với nghề chài lưới trên sông nước. Ngày nay, nghi lễ này đã trở thành nghi thức gắn với tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mùa màng tươi tốt cũng như báo công đến các vị vua của cư dân vùng châu thổ sông Hồng sau một năm sản xuất.
 
Làm lễ tại ngã 3 sông trước khi lấy nước. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Làm lễ tại ngã 3 sông trước khi lấy nước. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Mặc dù thời tiết có mưa kéo dài đến chiều 17/2 (tức ngày 13 tháng Giêng) song nghi thức rước nước vẫn thu hút đông đảo du khách thập phương tới dự. Ngay từ sớm, người dân các thôn trong xã Tiến Đức đã chuẩn bị trang phục, kiệu rồng, cờ phướn... tập trung trước sân Đền, đảm bảo lễ rước nước được diễn ra linh thiêng, an toàn nhất. Là một trong những người tham gia đoàn rước nước từ những ngày đầu nghi lễ này phục dựng, bà Vũ Thị Ngọt (thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà) cho biết, ngay từ tháng Chạp, các đội tế lễ đã lên kế hoạch phục vụ cho Lễ hội Đền Trần. Năm nay, bà phục vụ cho đoàn nghi lễ truyền thống của huyện Hưng Hà, đi theo kiệu rước Thái sư Trần Thủ Độ. Được tham gia các đoàn tế là niềm vui của người dân địa phương, ai cũng phấn khởi và mang theo niềm tin về một năm mới nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, sản xuất thắng lợi.

Đoàn rước nước thực hiện bằng cả đường thủy và đường bộ. Trước khi đoàn rước khởi hành, các bậc cao niên thắp hương kính cẩn mời anh linh các vị vua Trần chứng giám. Đoàn rước xuất phát từ sân Đền, dẫn đầu là đội múa lân, kiệu mang liệt vị liệt tổ nhà Trần: Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Thừa, Trần Lý và Thái sư Trần Thủ Ðộ. Tiếp theo là đoàn rước thuộc các làng, xã trong và ngoài huyện. Đoàn rước đi đến đâu đều có đoàn bát âm, cờ trống theo đến đó. Người dân tham gia lễ hội cùng đi theo thành hàng dài với mong muốn được tận mắt chứng kiến lễ rước linh thiêng cũng như cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.
 
Nước làm lễ được lấy tại ngã 3 sông Hồng, sông Thái Bình và sông Luộc. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Nước làm lễ được lấy tại ngã 3 sông Hồng, sông Thái Bình và sông Luộc.
Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Đoàn rước đi dọc đê sông Hồng đến nơi có thuyền rước đợi sẵn. Thuyền rước nước là thuyền lớn, đưa các vị chư tăng và tín đồ Phật tử ra tới giữa sông Hồng thì dừng lại. Theo các bậc cao niên xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà), nơi lấy nước được gọi là Ngã ba Tuần Vường - nơi giao nhau của ba con sông lớn: Sông Luộc, sông Hồng và sông Thái Bình. Dòng nước trong mát, thanh tịnh nơi đây sẽ được dâng lên các vị vua Trần.

Đến ngã ba Tuần Vường, từng gàu nước được các cụ cao niên và các vị chư tăng trút vào chum nhỏ. Ông Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang Đền Trần (Thái Bình) cho biết, trước khi làm lễ cấp thủy, đưa dòng nước vào trong chum, các bậc chư tăng làm lễ cúng Phật và các vị vua Trần cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà cho mọi người, mọi nhà. Các bậc chư tăng sẽ múc 9 gàu nước đổ vào chum với ý nghĩa trọn vẹn, đủ đầy và sinh sôi từ con số 9 mang lại.

Khi chum đã đầy, một tấm vải điều được đặt lên miệng chum với mong muốn giữ đủ bấy nhiêu may mắn. Chum nước được cẩn trọng đặt lên bành, dùng dây lụa đỏ chằng buộc cẩn thận để tránh bị đổ trong khi khiêng kiệu. Hoàn thành nghi thức lấy nước, đoàn rước lại trở về Đền thờ các vị vua Trần. Về tới sân Đền, đoàn rước lần lượt đi vào hành lễ, đoàn kiệu do các thanh niên trai tráng rước qua cổng là bắt đầu quay đủ ba vòng rồi đi vòng vào Đền. Nước được đem về đền mới là lúc tổ chức cho làng, cho các đoàn tới tế lễ.

Ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hưng Hà cho biết, nghi lễ rước nước được phục dựng từ năm 2010 và duy trì thực hiện cho đến nay. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân địa phương và nghi thức đầu tiên trong Lễ hội Đền Trần (Thái Bình). Sau nghi thức này sẽ là các hoạt động khai mạc, lễ tế cá và nhiều trò chơi dân gian khác diễn ra từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng hằng năm.

Với nhiều nét độc đáo, năm 2014, Lễ hội Đền Trần (Thái Bình) được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.
Thu Hoài
TTXVN

Có thể bạn quan tâm