Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019:

Lễ cúng lúa mới - nét văn hóa đặc sắc của người M’nông Gar

Lễ cúng lúa mới - nét văn hóa đặc sắc của người M’nông Gar
Lễ cúng lúa mới. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Lễ cúng lúa mới. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn cho biết, Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như Ê Đê, M’nông có những nét văn hóa độc đáo riêng. Việc tổ chức trình diễn các nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động quan trọng, góp phần bồi đắp, làm giàu kho tàng văn hóa, vốn tri thức dân gian của các dân tộc Việt Nam. Đây còn là dịp để mỗi thành viên trong buôn làng và cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh và thế giới thực tại, giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Nghi Lễ cúng lúa mới do đoàn nghệ nhân xã Đắk Phơi, huyện Lắk, thể hiện, gồm có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có các nghi thức cúng thần linh, cúng lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng. Lễ vật gồm nhà kho lúa, cây nêu, ba ché rượu cần, một con gà, một con lợn, bếp lửa, các đồ dùng hằng ngày và dụng cụ lao động sản xuất, các giống lúa và hạt giống cây trồng được thu hoạch từ trên nương rẫy. Phần hội gồm các hoạt động đánh chiêng, múa mừng lúa mới và múa xoang. Nghi lễ do già làng Y Niêng Du là chủ lễ, thầy cúng Y Krai Cil cúng, đội nghệ nhân đánh chiêng sáu người và 25 người tham gia múa. Khi tất cả các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, nghi thức cúng thần linh được bắt đầu. Thầy cúng đứng trước cây nêu và đọc lời cúng. Sau đó, già làng đưa cho thầy cúng con gà, thầy cúng vừa cắt tiết gà vừa đọc lời cúng và cúng sức khỏe cho già làng. Cúng xong, già làng mời thầy cúng uống rượu cần để cảm ơn thầy cúng đã mời thần linh về chứng giám lễ cúng lúa mới. Sau đó, già làng đổ rượu cần vào kho lúa, cho rượu chảy từ sàn kho lúa xuống và ở phía dưới sàn kho một người phụ nữ ngồi sẵn để hứng rượu. Già làng sau đó sẽ bôi huyết pha rượu lên tất cả các vật dụng trong gia đình và bôi lên cổ các thành viên. Cuối cùng, thầy cúng mời già làng và mọi người cùng ăn, uống rượu, vui đùa, chúc tụng nhau và đánh chiêng, múa hát ở phần hội.
Thầy cúng đọc lời cúng cúng lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Thầy cúng đọc lời cúng cúng lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng.
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Thầy cúng và già làng đứng trước cây nêu đọc lời cúng thần linh. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Thầy cúng và già làng đứng trước cây nêu đọc lời cúng thần linh.
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Mời thầy cúng uống rượu tại buổi lễ. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Mời thầy cúng uống rượu tại buổi lễ. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Bôi huyết pha rượu lên kho lúa và các vật dụng. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Bôi huyết pha rượu lên kho lúa và các vật dụng. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Theo thầy cúng Y Krai Cil, Lễ cúng lúa mới là lễ hội quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của bà con M’nông, cũng là phong tục lâu đời đã lưu truyền từ bao đời nay với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của thần linh (yang) ban cho dân làng và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc, con người luôn mạnh khỏe, buôn làng yên vui.
 
Dân làng đánh chiêng trống, múa hát trong phần hội của nghi lễ mừng lúa mới. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Dân làng đánh chiêng trống, múa hát trong phần hội của nghi lễ mừng lúa mới. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Sau phần lễ, đông đảo đại biểu, du khách đã cùng đoàn nghệ nhân xã Đắk Phơi uống rượu cần, đánh chiêng và nhảy múa mừng lúa mới, mừng Xuân mới. Chị Phùng Thị Hiên, du khách đến từ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, cho biết, được chứng kiến Lễ cúng lúa mới, chị hiểu biết thêm về nét văn hóa đặc sắc của người M’nông trên cao nguyên Đắk Lắk.
Hoài Thu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm