Lai Châu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển bền vững

Lai Châu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển bền vững
Trong ngày lễ tết, tục giã bánh dày vẫn được gìn giữ. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Trong ngày lễ tết, tục giã bánh dày vẫn được gìn giữ. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, tỉnh tăng cường quảng bá các di tích thiên nhiên, lễ hội và văn hóa kiến trúc, chợ phiên, trang phục, ẩm thực để thu hút du khách trong, ngoài tỉnh. Tỉnh chú trọng việc giữ nguyên bản sắc văn hóa cốt lõi, tránh can thiệp sâu vào văn hóa nét riêng mỗi dân tộc. Cùng với đó, tỉnh tổ chức hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử; tổ chức lễ hội; giữ gìn làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu về tinh thần của người dân.

Tỉnh vùng cao biên giới Lai Châu có 20 dân tộc sinh sống với gần 90% là người dân tộc thiểu số đã tạo nên kho tàng đồ sộ về văn hóa vật thể và phi vật thể, tiêu biểu như: hát Then, diễn xướng Sử thi, các điệu xòe, các lễ hội Then Kin Pang, Nàng Han, Gầu Tào, lễ Cấp Sắc… Tỉnh Lai Châu còn được nhiều người biết đến là vùng đất cổ với nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 21 di tích đã được xếp hạng (có 5 di tích quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh). Đây chính là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lai Châu tổ chức phục dựng Lễ hội “Lùng Tùng” (Xuống đồng). Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Lai Châu tổ chức phục dựng Lễ hội “Lùng Tùng” (Xuống đồng).
Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, một số nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như trang phục, nếp sống văn hóa - văn nghệ dân gian, phong tục tập quán... đang bị pha tạp và dần mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống ngày bị thất truyền. Công tác trùng tu, quản lý và phát huy giá trị các di tích, sưu tầm hiện vật chưa được quan tâm đúng mức…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, tỉnh xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập đặc biệt là xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XII. Các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân biết tự hào, trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp. Cùng với đó, các ngành, các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch sưu tầm, khảo cứu, phục dựng bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; thống kê, sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học các giá trị văn hóa truyền thống. Việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
 
Ngày tết truyền thống của người Hà Nhì được tái hiện và bảo tồn. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Ngày tết truyền thống của người Hà Nhì được tái hiện và bảo tồn.
Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Tỉnh Lai Châu khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy, giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Đồng thời, tỉnh đưa ra các chính sách tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, diễn xướng dân gian... Bên cạnh việc phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống, tỉnh quan tâm phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống dân tộc.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang từng bước khôi phục, nâng cao giá trị các lễ hội truyền thống; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống, các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy. Hoạt động của đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ, phong trào thể dục thể thao được quan tâm, tổ chức thường xuyên vừa bảo tồn, vừa thu hút nhân dân tham gia. Qua đó, khơi dậy sức sáng tạo chủ động của người dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới.
 
Tục nhảy lửa của người Dao được khôi phục và trình diễn. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Tục nhảy lửa của người Dao được khôi phục và trình diễn. 
Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Đầu năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Than Uyên (Lai Châu) tổ chức phục dựng Lễ hội “Lùng Tùng” (Lễ hội "Xuống đồng") của dân tộc Thái tại bản Cang Mường, xã Mường Cang. Lễ hội được phục dựng nhằm đáp ứng nguyện vọng về tâm linh của đồng bào dân tộc Thái ở xã Mường Cang nói riêng và huyện Than Uyên nói chung. Việc phục dựng Lễ hội thể hiện nét văn hóa độc đáo với nhiều nghi lễ quan trọng trong đó có lãnh đạo huyện, xã, người uy tín, trưởng bản xuống đồng tham gia cày bừa mở đầu cho một mùa sản xuất mới, cầu cho mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui.

Ông Lìm Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết: Lễ hội “Lùng Tùng” được người dân địa phương coi là lễ hội quan trọng gắn liền với nông nghiệp trồng trọt, nhằm gửi gắm những mong ước của con người cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, bản làng yên ấm, gia đình ấm no hạnh phúc. Ngoài phần Lễ, bà con được tham gia các trò chơi dân gian như: tó má lẹ, bắn nỏ, ném còn và giao lưu văn nghệ.

Các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và người dân đang cùng vào cuộc thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh, góp phần xây dựng văn hóa và con người Lai Châu phát triển toàn diện.

Việt Hoàng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm