Khó bảo tồn âm nhạc dân gian Chăm

Khó bảo tồn âm nhạc dân gian Chăm

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, hiện Trung tâm này đã sưu tầm và ký âm hơn 90 bài dân ca với sự thể hiện của 36 nghệ nhân; tập hợp gần 60 bài dân ca Chăm H’roi do 27 nghệ nhân ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên thể hiện. Ông Thập Liên Trưởng, Trưởng Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm  (Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận), cho biết hầu hết các bài dân ca đều xoay quanh các chủ đề như: Đề cao công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, lao động sản xuất và tình yêu đôi lứa…

  Một số bài hát đã được ký âm.jpg

Một số bản nhạc đã được kí âm

Hiện nay, công tác sưu tầm và phát triển âm nhạc dân gian Chăm chỉ dừng lại ở phần sưu tầm tư liệu. Các nghệ nhân tuổi đã cao, còn thế hệ trẻ không mấy mặn mà, các làn điệu dân ca Chăm rơi rụng theo tháng năm. Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Trung tâm, cho biết việc bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân gian Chăm hiện rất khó khăn. Phương thức truyền dạy theo kiểu dân gian hiện nay không còn nữa. Trong khi các kênh truyền dạy khác chưa triển khai, như: Truyền dạy trong các trường học, qua hệ thống phát thanh, truyền hình. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn tại Trung tâm vẫn còn nhiều hạn chế.

- Và một khó khăn trong bảo tồn và phát huy là công tác phổ biến rất hạn chế. Chẳng hạn như công tác xuất bản, sau khi sưu tầm về chúng tôi nghiên cứu, đánh giá, phân loại nhưng không có kinh phí để xuất bản bằng những ấn phẩm như sách, đĩa, DVD, CD nói chung để phổ biến rộng rãi, để mọi người biết đến nền văn hóa rất độc đáo của người Chăm - bà Thu nói.

 

Nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc thuộc Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết: Để những tư liệu đang nằm bất động ấy trở thành nguồn thông tin quý giá cho thế hệ sau, cần có những cách làm thiết thực, hiệu quả:

 

- Việc làm này hết sức cần thiết và thật ra Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc đã đưa sân khấu âm nhạc dân tộc vào học đường rồi. Chính phủ cũng đã ra quyết định cho thực hiện tiếp từ nay đến năm 2020. Bản thân tôi cũng mong muốn chương trình này nhân rộng ra toàn quốc. Bởi vì chúng ta biết âm nhạc dân tộc Việt Nam là 54 dân tộc, rất đa dạng và phong phú. Mỗi vùng miền có một bản sắc âm nhạc riêng. Chính các em là bảo tàng sống để gìn giữ âm nhạc dân tộc này.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm