Khăn Piêu - trang phục đậm đà bản sắc của đồng bào Thái

Khăn Piêu - trang phục đậm đà bản sắc của đồng bào Thái
Khăn Piêu, nét đặc trưng duyên dáng của phụ nữ Thái. Ảnh: Hoàng Tâm
Khăn Piêu, nét đặc trưng duyên dáng của phụ nữ Thái. Ảnh: Hoàng Tâm 

Đối với người phụ nữ dân tộc Thái, chiếc khăn Piêu là một phần không thể thiếu trong bộ trang phục truyền thống. Thông thường, các cô gái Thái đều tự tay làm cho mình chiếc khăn Piêu riêng để vừa thể hiện sự khéo léo và  sở thích riêng của mình qua các họa tiết trang trí trên khăn Piêu.
 
Các cô gái Thái đều tự tay thêu cho mình chiếc khăn Piêu để thể hiện sự khéo léo và sở thích của mình qua những họa tiết trang trí. Ảnh: Hoàng Tâm
Các cô gái Thái đều tự tay thêu cho mình chiếc khăn Piêu để thể hiện sự khéo léo và sở thích của mình qua những họa tiết trang trí. Ảnh: Hoàng Tâm 

Khăn Piêu được dệt từ loại vải bông, nhuộm chàm đen và thêu các họa tiết, hoa văn bằng các loại chỉ xanh, đỏ, tím, vàng... ở hai đầu khăn, có chiều dài một sải tay (1,6 m), chiều ngang theo khổ vải dệt thủ công (40 cm).

Trước khi thêu, phụ nữ Thái làm những chiếc cút để đính vào Piêu. Cút Piêu được làm từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1 cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Các cút sau khi làm xong được ghép lại rất khéo léo vào đầu Piêu.

Dựa vào số lượng cút piêu đính trên chiếc khăn người ta có thể phân ra các loại Piêu khác nhau: Piêu cút 2, 3, 4, 5 (gắn ở mép piêu 2, 3, 4, 5 chiếc cút). Loại Piêu được yêu thích nhất là Piêu cút pụa nghĩa là 4 góc của Piêu được gắn 4 chùm cút, mỗi chùm từ 10-12 chiếc cút nhưng nhỏ hơn cút Piêu đính ở mép khăn. Hu Piêu là một loại hoa tết bằng vải đính với một dây vải đỏ viền theo mép và đính vào góc khăn piêu. Những chiếc khăn piêu có cút pụa thì không có hu piêu nữa.
 
Khăn Piêu được thêu bằng các loại chỉ màu sặc sỡ. Ảnh: Hoàng Tâm
Khăn Piêu được thêu bằng các loại chỉ màu sặc sỡ. Ảnh: Hoàng Tâm 


 

 
Họa tiết trang trí trên khăn Piêu do các cô gái Thái sáng tạo ra hoặc được truyền lại. Ảnh: Hoàng Tâm
Họa tiết trang trí trên khăn Piêu do các cô gái Thái sáng tạo ra hoặc được truyền lại. Ảnh: Hoàng Tâm 

Sau khi bọc viền và ghép cút Piêu xong, phụ nữ Thái bắt đầu công việc thêu Piêu. Piêu không thêu ở mặt phải mà thêu từ mặt trái, các hoa văn với màu sắc hiện lên ở mặt phải. Các loại hoa văn trên Piêu đều do người phụ nữ nghĩ ra hoặc do bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con gái từ thế hệ này sang thế hệ khác với các loại đường khâu nhiều kiểu như móc xích, xương cá, chân rết... Diềm của khăn Piêu được trang trí bằng những cặp "tín xáo" thêu theo kiểu vắt chỉ thành từng nhóm 3 hoặc 4 đường song song. Giữa các nhóm "tín xáo" còn được trang trí thêm những hình "tô pu" (con cua) hay "tô nhện" (con nhện) hoặc hình ngôi sao 5 cánh theo lối cách điệu. Viền ngoài cùng của chiếc khăn được riềm bằng vải đỏ. Bốn góc khăn được kết thành tai Piêu.
 
Cách quấn khăn Piêu độc đáo của cô gái Thái. Ảnh: Hoàng Tâm
Cách quấn khăn Piêu độc đáo của cô gái Thái. Ảnh: Hoàng Tâm 

Piêu được người phụ nữ Thái đội theo nhiều kiểu hoặc vắt trên vai tạo vẻ duyên dáng. Piêu được sử dụng trong các lễ hội: Hội ném còn, hội uống rượu cần, Mừng nhà mới, tết... Chiếc khăn Piêu cũng là kỷ vật sâu sắc, vật làm tin, vật tỏ tình yêu thương của các đôi trai gái Thái. Piêu còn là đạo cụ cho các điệu múa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. 
 
Con gái Thái từ khi 12, 13 tuổi đã phải làm quen với việc thêu thùa. Khi lớn lên, các cô gái phải tự thêu khăn để dùng và làm của hồi môn khi về nhà chồng. 
 
Khăn Piêu trở thành đạo cụ trong các điệu múa của lễ hội. Ảnh: Hoàng Tâm
Khăn Piêu trở thành đạo cụ trong các điệu múa của lễ hội. Ảnh: Hoàng Tâm 

Khăn Piêu là tác phẩm nghệ thuật, là biểu tượng tín ngưỡng của đồng bào Thái mang đậm bản sắc dân tộc do bàn tay khéo léo của người con gái Thái tạo nên và luôn được đồng bào Thái trân trọng, giữ gìn. 
          Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm