Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương 2017

Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương 2017
Tham dự lễ khai mạc có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; đại diện các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh,Vĩnh Long và tỉnh Lào Cai là đơn vị kết nghĩa với tỉnh Bình Dương.
 
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban tổ chức Festival Trần Thanh Liêm nhấn mạnh: Tiếp nối thành công của Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu năm 2014, tỉnh Bình Dương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II năm 2017. 
Một góc không gian trưng bày các mô hình nhạc cụ đờn ca tài tử. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Một góc không gian trưng bày các mô hình nhạc cụ đờn ca tài tử.
Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II gồm chuỗi hoạt động nghệ thuật được Ban tổ chức và các nghệ nhân, nghệ sĩ đầu tư công phu và ấn tượng. Khơi dậy sự đam mê và mang lại niềm tin cho các nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc nỗ lực bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử; góp phần cho Đờn ca tài tử không bị mai một, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin với các thiết bị truyền thông đa phương tiện như hiện nay. Bên cạnh việc quảng bá về đất nước Việt Nam và quê hương Nam Bộ; Festival lần này còn là sân chơi lành mạnh cho những ai yêu thích Đờn ca tài tử; là nơi vinh danh và tưởng nhớ đến các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh đã cống hiến cho sự phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này. 
Một tiết mục văn nghệ chào mừng tại đêm khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ 2. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Một tiết mục văn nghệ chào mừng tại đêm khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ 2. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Cũng qua Festival, các nhà quản lý, các nghệ nhân, nghệ sĩ được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm; luôn đoàn kết chung tay bảo tồn bộ môn Đờn ca tài tử vì mục tiêu phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển văn hóa, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng. Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã biểu dương các tỉnh, thành Nam Bộ, các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ và kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp tích cực về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ với nhiều hoạt động , nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. 
Khách tham quan các không gian Đờn ca tài tử tại Festival. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Khách tham quan các không gian Đờn ca tài tử tại Festival. 
Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Đặc biệt, tháng 4/2014, tỉnh Bạc Liêu được coi là chiếc nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã cùng với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các địa phương trong vùng tổ chức thành công Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I và đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Năm nay, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II được tổ chức tại tỉnh Bình Dương nhằm tiếp tục tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ của Festival, góp phần nâng cao nhận thức, tích cực hành động của toàn xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc đối với Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường sự liên kết vùng trong việc hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam . Theo Ban tổ chức, hiện dạng thức Câu lạc bộ Đờn ca tài tử đã lan tỏa tới 21 tỉnh, thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Tính chất đặc biệt của dòng âm nhạc này đã lay động tâm hồn mộ điệu của các ban nhóm hoạt động âm nhạc cổ truyền trong cả nước. Ngay trên những vùng đất của Ca trù, Quan họ, Bài chòi, những buổi sinh hoạt văn hóa ở gia đình hay các câu lạc bộ, làn điệu Tài tử - Cải lương vang lên như một minh chứng hùng hồn về sức sống mảnh liệt và sự hấp dẫn đến say đắm lòng người của dòng âm nhạc đặc trưng ở Phương Nam. Cũng trong lễ khai mạc, khán giả có dịp thưởng thức chương trình với chủ đề “ Báu vật đất Phương Nam” và chương trình chắp cánh cho hồn nhạc bay xa, trong đó ấn tượng nhất chính là phần hòa tấu của 2 nhóm nhạc đại diện Miền Đông và Tây Nam Bộ qua đ iệu Xàng xê nhịp tám, thu hút sự chú ý của hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh Bình Dương. /. 

Có thể bạn quan tâm