Khai ấn đền Trần ở Nam Định năm 2019

Khai ấn đền Trần ở Nam Định năm 2019
Quang cảnh lễ khai ấn Đền Trần - Xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Quang cảnh lễ khai ấn Đền Trần - Xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Đọc diễn văn tại lễ khai ấn, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Hoàng Nguyên Dự khẳng định những đóng góp to lớn của vương triều Trần. Các vua Trần đã có công khai sông, lấn biển, mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.

Chủ tịch UBND thành phố Nam Định nhấn mạnh, việc tổ chức lễ hội khai ấn đầu năm tại đền Trần góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa; đồng thời còn mang tính giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố ngày càng phát triển.

Nghi lễ rước kiệu Ấn và kiệu vua Trần. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Nghi lễ rước kiệu Ấn và kiệu vua Trần. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Đúng 22 giờ 45 phút, Lễ khai ấn được tiến hành với nghi lễ dâng hương trước ban thờ trung thiên tại đền Thiên Trường, sau đó là nghi lễ rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo sang đền Thiên Trường. Các nghi lễ được cử hành trang trọng theo nghi thức truyền thống với sự tham gia của các bậc cao niên - những người uy tín trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Từ 23 giờ 15 phút, 14 cụ cao niên ở phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng). Trưởng từ đền Trần có trách nhiệm cất giữ những lá ấn này để dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng, đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Phổ Minh, Văn chỉ Hiền Đàn, đình Tức Mặc, đình Kênh, đình Bái, đình Vĩnh Trường và lưu tại hòm đựng ấn nhà đền.

Dâng lễ vật lên các vua Trần. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN
Dâng lễ vật lên các vua Trần. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN

Sau khi kết thúc nghi lễ khai ấn, đền Trần sẽ được mở cửa để nhân dân và du khách vào lễ đầu năm. Từ 5 giờ ngày Rằm tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương.

Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định - Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết, năm nay Ban Tổ chức đã chuẩn bị đủ số lượng ấn để phát cho nhân dân và du khách khi về tham dự lễ hội. Vì vậy, nhân dân và du khách khi về với lễ hội đền Trần không nên chen lấn, xô đẩy để tránh gây mất an ninh trật tự, đặc biệt là không nên mua ấn ở bên ngoài để tránh mua phải ấn giả.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, để bảo đảm trang nghiêm cho buổi Lễ khai ấn, Ban Tổ chức đã làm hàng rào an ninh cách xa khu vực kiệu ấn đi qua để tránh trường hợp người dân cố tình ném tiền vào kiệu ấn tạo nên hình ảnh phản cảm. Công an tỉnh Nam Định đã tăng cường hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ bảo vệ an toàn cho Lễ khai ấn nên tình hình an ninh trật tự trong và ngoài khu vực đền Trần thời điểm diễn ra buổi lễ được đảm bảo, không xảy tình trạng lộn xộn. Để tránh ùn tắc, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nam Định đã huy động 100% quân số, tổ chức phân luồng từ xa đối với các phương tiện từ Hà Nam, Ninh Bình đi Thái Bình và các phương tiện từ Thái Bình đi Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình.

Đại biểu dâng hương trong lễ Khai ấn Đền Trần - Xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Đại biểu dâng hương trong lễ Khai ấn Đền Trần - Xuân Kỷ Hợi 2019.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Sau khi thực hiện xong nghi lễ khai ấn, cửa đền Trần đã được mở cho người dân và du khách vào làm lễ đầu năm nhưng không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy. Trên các ngả đường, dòng người vẫn tấp nập kéo về đền Trần đi lễ và chờ để xin lộc ấn.

Ban Tổ chức Lễ hội đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực để bảo đảm cho mùa lễ hội diễn ra an toàn, trật tự...
Công Luật

Có thể bạn quan tâm