Hát Quan họ trên thuyền góp phần bảo tồn và phát triển Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Hát Quan họ trên thuyền góp phần bảo tồn và phát triển Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Theo ông Trần Quang Nam, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, không gian diễn xướng Quan họ khá đa dạng, phong phú với 4 hình thức “Hát chúc, hát mừng”; “Hát thờ”; “Hát canh” và “Hát hội”. Trong “Hát hội”, các “bọn Quan họ” có thể đi thuyền trên sông, trên hồ để hát giao duyên.

Hát Quan họ trên thuyền đã trở thành một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống xưa và nay của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc. Biểu diễn Quan họ trên thuyền, phục vụ nhân dân vào tối thứ 7 hàng tuần là hoạt động văn hóa có ý nghĩa to lớn nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng, riêng có của quê hương Quan họ “Bắc Ninh - Kinh Bắc” đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa quê hương, nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Trong buổi tối đầu tiên tổ chức hát Quan họ trên thuyền, với thời lượng hơn 60 phút, các liền anh, liền chị đến từ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh… đã mang đến cho khán giả những làn điệu Quan họ mượt mà, đằm thắm.

Biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Cần, trú quán tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ nhỏ, bà đã có niềm đam mê với Dân ca Quan họ. Việc tỉnh Bắc Ninh tổ chức hát Quan họ vào tối thứ 7 hàng tuần giúp nhân dân thỏa lòng với niềm đam mê Quan họ của mình. Với mỗi ca khúc trước khi được hát lên lại được các liền anh, liền chị giới thiệu thông qua các lời dẫn vì vậy, với bất cứ ai dù chưa hiểu về Quan họ cũng có thể cảm nhận và thấu hiểu những giá trị đặc sắc và độc đáo của Di sản văn hóa Quan họ.

Bảo tồn Quan họ là hoạt động được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt chú trọng nên nội dung và chất lượng chương trình được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị khá chu đáo.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Dân ca Quan họ Bắc Ninh có sức cuốn hút đặc biệt và phong phú với hàng trăm làn điệu nhưng để các chương trình diễn ra đều đặn hàng tuần, hàng tháng không trùng lặp, nhàm chán, ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh đã lên kế hoạch từng chương trình rất tỷ mỉ. Trong số hàng trăm làn điệu dân ca Quan họ cổ, cơ quan chuyên môn đã tuyển chọn được khoảng 60 làn điệu phù hợp với hình thức biểu diễn Quan họ trên thuyền. Các làn điệu này sẽ được sắp xếp, bố cục thành nội dung cụ thể cho từng đêm diễn hàng tuần, hàng tháng và hàng quý với thời lượng 90 phút/chương trình bao gồm các tiết mục đơn ca, song ca, đối ca, tốp ca...

Biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Dân ca Quan họ Bắc Ninh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009. Đến nay, sau hơn 8 năm được vinh danh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương trong việc bảo tồn và phát triển Dân ca Quan họ Bắc Ninh như thực hiện chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân Quan họ; công tác sưu tầm, nghiên cứu được tiếp cận đa chiều làm giàu thêm giá trị dân ca Quan họ; việc tuyên truyền, truyền dạy Quan họ được chú trọng… Đến nay, từ 44 làng Quan họ gốc, Bắc Ninh đã phát triển thành 329 làng Quan họ thực hành, sưu tầm, ghi âm, ký được hơn 500 bài dân ca Quan họ cổ được phân định thành 213 giọng.
Thanh Thương

Có thể bạn quan tâm