Gia Lai: Ươm mầm tài năng cồng chiêng

Gia Lai: Ươm mầm tài năng cồng chiêng

Tham dự liên hoan có hơn 500 nghệ nhân, diễn viên đến từ 17 đoàn cồng chiêng thanh-thiếu niên đại diện cho các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Ngay từ sáng sớm, tất cả các nghệ nhân, diễn viên đều rất háo hức, mong chờ, chuẩn bị đầy đủ nhạc cụ tập trung về địa điểm thi để tham gia phần biểu diễn của mình và xem phần trình diễn của các đội bạn. Anh Xrech-thành viên đội thi huyện Đak Pơ cho biết: “Khi nghe Huyện đoàn thông báo sẽ chọn đội cồng chiêng làng Kruối (xã Yang Bắc) của mình lên tỉnh dự liên hoan, bà con làng mình vui lắm, ai cũng muốn đi nhưng mà quy định của Ban tổ chức chỉ cho phép 37 người tham gia thôi, nhiều người không được đi buồn lắm”.

Ảnh: Phan Lài
Ảnh: Phan Lài

Với thời lượng tối đa là 30 phút dành cho mỗi đội, các đoàn đã mang đến liên hoan những bài chiêng đặc sắc nhất, những câu hát dân ca ấm áp lòng người, những điệu múa đặc trưng nhất của dân tộc mình. Khi tiếng chiêng nổi lên với giai điệu trầm hùng, tiếng bước chân của các nghệ nhân, diễn viên nhí cũng rộn ràng, hòa nhịp một cách thuần thục chẳng khác gì đội cồng chiêng người lớn. Những bước nhảy, điệu múa rộn rã đã tái hiện lại cho người xem những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, các sinh hoạt, sản xuất hàng ngày và những lễ hội rực rỡ sắc màu như: lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ pơ thi... qua đó, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Hồn nhiên và say mê biểu diễn, những “nghệ nhân nhí” đã thể hiện rất tốt ý nghĩa của từng bài chiêng, đem đến liên hoan những bức tranh đa sắc màu văn hóa của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Đinh It (lớp 8, Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Kông Chro)-thành viên đội cồng chiêng nhí chia sẻ: Em rất thích nghe tiếng chiêng vì nó là âm thanh đặc trưng của làng. Từ nhỏ em đã được người lớn chỉ dạy rất nhiều bài chiêng hay. Em rất vui vì hôm nay được trình diễn những gì đã học trong thời gian qua. Đoàn chúng em biểu diễn tiết mục hát dân ca “Kông ơi”, Hòa tấu nhạc cụ đàn t’rưng và bài chiêng trong “lễ bỏ mả”.

Ngoài diễn tấu cồng chiêng và những làn điệu dân ca, khán giả còn được xem trình tấu các loại nhạc cụ tiêu biểu của các tộc người thiểu số như: t’rưng, đinh dek, trống, đàn goong… Bên cạnh đó, các đội còn lôi cuốn, hấp dẫn người xem bằng cách hóa trang thành các bram (còn gọi là người làm trò hề). Ấn tượng nhất là bram của đơn vị huyện Chư Pah, Hyơk (12 tuổi) là cậu bé được hóa trang thành bram, toàn thân được bôi một lớp đất sét màu vàng nhạt và có gắn thêm một chiếc đuôi, phần hóa trang này đã làm cho không khí liên hoan thêm phần sôi động vì những động tác hết sức ngộ nghĩnh. Hoàn thành xong phần thi của mình, Hyơk vui vẻ cho biết: “Em rất thích tham gia những hội thi như thế này, vì qua đó, chúng em được biết thêm nhiều bài chiêng hay, nhiều điệu múa đẹp của các dân tộc ở huyện khác”.

Với sự chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu và sự cống hiến hết mình của các diễn viên, nghệ nhân, nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số đã được tái hiện, nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Chị Hoàng Thị Yên (phường Ia Kring, TP. Pleiku) nói: “Hôm nay ngày nghỉ, nên tôi cho con ra đây xem biểu diễn cồng chiêng, để con hiểu thêm về những bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh nhà. Bản thân tôi cũng khám phá thêm nhiều thú vị về cuộc sống sinh hoạt của bà con”.

Đánh giá chất lượng nghệ thuật của liên hoan, Thạc sĩ-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Trưởng ban giám khảo cho biết: Điểm nổi bật của Liên hoan lần này là hầu hết các đoàn đã biết khai thác tính đặc thù trong từng bài chiêng để chuẩn bị phục trang, đạo cụ… tạo nên sức sống cho từng tiết mục, cuốn hút người xem. Các diễn viên, nghệ nhân đã cống hiến hết mình, đem đến những phong cách biểu diễn riêng biệt nhưng không làm mất đi tính truyền thống trong từng tiết mục. Đặc biệt, nhiều đội đã tái hiện lại được nhiều bài chiêng, khúc hát cổ, tưởng chừng đã theo ông bà về với thế giới atâu, nay được các nghệ nhân trẻ tuổi đón nhận với một tình cảm trân trọng. Hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều chương trình ý nghĩa như thế này, để mọi người hiểu và biết nhiều hơn về truyền thống văn hóa của tỉnh nhà.

Báo Gia Lai điện tử

Có thể bạn quan tâm