Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018: Nơi kết nối cộng đồng

Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018: Nơi kết nối cộng đồng
Nghệ nhân Ksor Ak, dân tộc Jrai, già làng Plei Chuet2, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku (Gia Lai) cho biết: Ông là nghệ nhân đan lát. Ông đưa đoàn nghệ nhân của thành phố Pleiku đi tham dự Festival trước tiên là biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật như tạc tượng gỗ, đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca, sử thi... mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với văn hóa người Jrai tại Gia Lai. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để ông cùng các nghệ nhân trong đoàn có dịp trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chỉnh chiêng thế nào cho ấm hơn, sáng tạo những họa tiết hoa văn trong tấm chăn dệt thổ cẩm hay việc phát triển các làng du lịch địa phương… nhằm nâng cao chất lượng văn hóa dân gian của từng dân tộc.

Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, tỉnh Gia Lai chia nhiều gian hàng để các đoàn có không gian sáng tác những tác phẩm nghệ thuật riêng của từng dân tộc nhưng vẫn mang tính quần thể chung. Khu vực tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm được bố trí dưới những tán cây to, rợp bóng để nghệ nhân không gián đoạn các tác phẩm của mình bởi trời nắng. Nhiều nghệ nhân lớn tuổi, tuy nói tiếng Kinh không rành rọt, nhưng cũng sang các gian hàng của tỉnh bạn để ngồi hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình.

Nghệ nhân A Thút, dân tộc Bahnar, làng Đăk Wớt, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (Kon Tum) vui vẻ cho biết: Ông là nghệ nhân chỉnh chiêng, diễn tấu cồng chiêng đại diện cho tỉnh Kon Tum tham dự Festival lần này. Theo ông Thút, mỗi đoàn nghệ nhân đại diện cho một tỉnh đều có những bản chiêng, điệu xoang độc đáo riêng, mình nghe, mình nhìn để học hỏi cách họ biểu diễn động tác xoang đẹp như thế nào, chỉnh chiêng ra sao. Rồi về suy ngẫm vì sao họ đánh hay hơn đoàn mình để cả đội tìm những phương pháp tập mới hiệu quả hơn. Ông Thút cũng cho biết thêm, sau thời gian diễn tấu, ông thường tổ chức giao lưu giữa các đoàn với nhau để gắn kết tình dân tộc anh em.

Nghệ nhân Mapur, dân tộc Ê Đê, đoàn nghệ nhân tỉnh Đăk Lăk, cho biết: Mặc dù cùng một dân tộc nhưng ở mỗi địa phương lại có những văn hóa khác vì ảnh hưởng của điều kiện sống tại đó. Cho nên chúng tôi thường tìm hiểu về những điểm khác biệt thú vị này của dân tộc mình qua đường nét họa tiết hoa văn trên tấm vải dệt hay trên chiếc gùi được đan hoặc cả những tiếng chiêng ngân trong ngày hội của chính dân tộc của mình ở những tỉnh khác trên Tây Nguyên. Dù có phát triển chung với xã hội hiện đại, chúng tôi vẫn mong muốn giữ lại những nét văn hóa riêng của dân tộc mình.

Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2018 diễn ra vỏn vẹn trong 3 ngày (30/11-2/12), thời gian trước khi chuẩn bị cho công tác biểu diễn để tham dự ngày hội lớn này là quãng thời gian bận rộn tập luyện của các nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên. Với họ hình ảnh bề ngoài không mấy quan trọng mà mục tiêu chính là hướng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Cho nên khi du khách tham quan, chiêm ngưỡng văn hóa từng dân tộc sẽ có cảm giác rất chân thật, đây cũng chính là sinh hoạt hằng ngày đã thấm đẫm trong từng hành động tỉ mỉ, chân chất của họ.

Trong khuôn viên của những khu vực nghệ nhân trình diễn nghệ thuật dân gian, không khó để tìm thấy những nhóm nghệ nhân đang trao đổi kinh nghiệm, trải nghiệm văn hóa dân tộc khác. Tiếng nói cười vẫn rộn ràng những góc sân, có thể không hiểu tiếng dân tộc nhau nhưng biểu cảm trao nhau là những nụ cười thân thiện, những cái ôm thắm chặt tình thân, những cần rượu ghè say chuếnh choáng ân tình. Tất cả làm nên một Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không khoảng cách, thân thiện và gắn kết tình anh em của các dân tộc Tây Nguyên.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm