Đưa nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam vào phục vụ công chúng và du khách

Đưa nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam vào phục vụ công chúng và du khách
Biểu diễn trích đoạn Tuồng "Nguyệt cô hóa cáo" tại chương trình Tuồng "Hồn Việt". Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Biểu diễn trích đoạn Tuồng "Nguyệt cô hóa cáo" tại chương trình
Tuồng "Hồn Việt". Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

"Hồn Việt” là chương trình mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, với nội dung và phương thức biểu diễn dựa vào nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, đồng thời lồng ghép với những tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc trưng các vùng, miền khác của Việt Nam.

Biểu diễn trích đoạn hoạt cảnh ''Ngày hội quê tôi'' tại chương trình Tuồng "Hồn Việt". Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Biểu diễn trích đoạn hoạt cảnh ''Ngày hội quê tôi'' tại chương trình
Tuồng "Hồn Việt". Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Chương trình diễn ra trong thời gian 60 phút với 7 tiết mục gồm: Hòa tấu đàn Đá “Cuội Nguồn”; Ngày hội quê tôi; Độc tấu đàn bầu; Múa Apsara “Trăng trên tháp cổ”; Trích đoạn tuồng “Nguyệt Cô hóa Cáo”; Múa “Bến nước tình yêu” và phần giới thiệu hóa trang các nhân vật Tuồng. Các tiết mục đã đưa khán giả khám phá những nét tinh túy của nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam thông qua những trích đoạn kinh điển và nghệ thuật hóa trang đặc trưng của Tuồng xứ Quảng; đồng thời đưa khán giả về với không khí rộn ràng của một số ngày hội tại các làng quê và cùng lắng đọng với những bản hòa nhạc trầm hùng của dàn nhạc dân tộc Việt Nam.

Biểu diễn múa Apsara tại chương trình Tuồng "Hồn Việt". Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Biểu diễn múa Apsara tại chương trình Tuồng "Hồn Việt".
Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Chị Thu Hương, người dân Đà Nẵng chia sẻ, các tiết mục biểu diễn tại chương trình rất hay, làm cho người xem thích thú, hào hứng và ấn tượng khi được xem các nghệ sỹ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, giúp người xem hiểu và gần gũi hơn với nghệ thuật tuồng mà trước đây người dân ít có cơ hội được tìm hiểu.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Trần Ngọc Tuấn cho biết: Chương trình nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam và đưa nghệ thuật Tuồng đến gần hơn với công chúng và du khách. Nhà hát đang nỗ lực từng bước xây dựng sân khấu Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành một địa chỉ văn hóa – du lịch và đưa nghệ thuật Tuồng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Biểu diễn trích đoạn hoạt cảnh ''Ngày hội quê tôi'' tại chương trình Tuồng "Hồn Việt". Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Biểu diễn trích đoạn hoạt cảnh ''Ngày hội quê tôi'' tại chương trình
Tuồng "Hồn Việt". Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Chương trình nghệ thuật Tuồng truyền thống “Hồn Việt” diễn ra vào lúc 19 giờ 45 phút các ngày trong tuần và 17 giờ 30 ngày chủ nhật tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng). Buổi diễn ra mắt chương trình nghệ thuật Tuồng truyền thống “Hồn Việt” đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem và cổ vũ.

Biểu diễn các nhạc cụ truyền thống tại chương trình Tuồng "Hồn Việt". Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Biểu diễn các nhạc cụ truyền thống tại chương trình Tuồng "Hồn Việt".
Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được thành lập năm 1967, với chiều dài hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, nhà hát có nhiều thế hệ nghệ sĩ diễn viên, nhạc công có trình độ chuyên môn cao nổi tiếng trong cả nước, trong đó có 6 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 21 người được phong Nghệ sĩ ưu tú. Trong thời gian hoạt động, nhà hát đã lưu giữ được hơn 100 vở tuồng cổ và trích đoạn đặc sắc nhất của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.
Trần Lê Lâm 

Có thể bạn quan tâm