Du lịch Việt Nam:

Đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng

Đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng
Điểm hẹn của người yêu nhạc dân tộc
Giữa tháng 7/2018, ngôi nhà âm nhạc dân tộc Trúc Mai House rộn ràng đón tiếp gần 150 học viên đến học 10 loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam như: Đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu, đàn cò, đàn tam thập lục, đàn T’rưng… Đây là năm thứ 9, Thạc sĩ sư phạm âm nhạc dân tộc, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai mở lớp, nhận dạy học viên.
Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Mai giới thiệu về nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN
Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Mai giới thiệu về nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN

Trong khoảng thời gian 2-3 tháng, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai trực tiếp giới thiệu cho học viên tên gọi từng loại nhạc cụ, nguồn gốc và hướng dẫn học viên cách đánh đàn theo sở thích, năng khiếu từng người.
 
Các học viên tham gia đa số là sinh viên, học sinh, cán bộ nghỉ hưu, bác sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc đến từ các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước…

Bạn Trần Thành, 26 tuổi, hiện là kỹ sư phần mềm, Công ty Công nghệ Thông tin ELCA Việt Nam cho biết: Thông qua trang mạng xã hội và được bạn bè giới thiệu về Trúc Mai House, tôi đăng ký học sáo trúc để có thể hiểu hơn về nhạc cụ dân tộc Việt Nam, đồng thời mong muốn sau khóa học có thể thổi được sáo trúc.
 
Chị Nguyễn Thị Xuân Thủy (46 tuổi) là thợ may tại Quận 5 thổ lộ: Tôi yêu thích tiếng đàn tranh từ khi còn nhỏ nhưng chưa có cơ hội tìm hiểu. Vì vậy, tôi đã đăng ký học để sau này có thể tự đánh đàn tranh.
 
Nhìn lại mỗi năm, số học viên đến với Trúc Mai House ngày một đông hơn. Không giấu được niềm vui sướng và hạnh phúc, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai chia sẻ: Hiện nhiều sinh viên không biết đến tên gọi các nhạc cụ tiêu biểu của dân tộc mình, hay có một số em yêu thích nhưng không đủ tiền học vì mức học phí trung bình từ 150.000 - 300.000 đồng/buổi. Do vậy, từ năm 2009 đến nay, tôi quyết tâm mở và duy trì lớp học đàn miễn phí với mong muốn ngày càng có thêm nhiều người biết, sử dụng nhạc cụ Việt Nam.
Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Mai hướng dẫn các học viên. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Mai hướng dẫn các học viên. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
 
Do các học viên ở độ tuổi và trình độ khác nhau nên để giúp học viên nắm bắt nhanh, nhớ lâu hơn, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai đã đơn giản hóa lý thuyết bằng cách liên hệ với những điều gần gũi trong cuộc sống.

Tuy vậy, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai cũng thẳng thắn chia sẻ với học viên: Chỉ dành 2 hoặc 3 tháng học đàn không thể chắc chắn rằng các bạn sẽ đàn được, mà còn tùy theo năng khiếu, niềm đam mê và quyết tâm của mỗi người. Điều quan trọng là trong khoảng thời gian này, các bạn có sự hiểu biết nhất định về nhạc cụ dân tộc Việt Nam…
 
Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai mong muốn, thông qua lớp học, mỗi học viên sẽ là một tuyên truyền viên về nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Họ có thể chia sẻ hiểu biết của mình đến người thân, bạn bè, qua đó sẽ có thêm nhiều người biết và tự hào hơn về âm nhạc, nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
 
Hấp dẫn khách quốc tế
Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai hiện công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen và tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật trong, ngoài nước.
 
Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn chưa giới thiệu và phát huy hết những giá trị âm nhạc dân tộc Việt cho bạn bè thế giới.
Các học viên theo học nhạc cụ dân tộc khóa thứ 9 tại Trúc Mai House. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Các học viên theo học nhạc cụ dân tộc khóa thứ 9 tại Trúc Mai House. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
 
Từ suy nghĩ này, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai cùng chồng là Nghệ sĩ ưu tú sáo trúc Đinh Linh dành thời gian và không gian riêng của gia đình mình tại Trúc Mai House để tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho du khách quốc tế muốn tìm hiểu, thưởng thức âm nhạc truyền thống Việt Nam.
 
Mỗi lần lưu diễn, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai tích góp tiền, mua thêm nhiều loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam dành cho học viên và du khách đến tìm hiểu.

Tùy theo yêu cầu và số lượng, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai (Nghệ sĩ ưu tú sáo trúc Đinh Linh, con trai là Nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh) cùng tham gia biểu diễn. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những tách trà Việt Nam và hướng dẫn chơi từng nhạc cụ.
 
Bằng vốn kiến thức, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai đã truyền đạt lại để du khách hiểu hơn về âm nhạc Việt Nam. Nhiều khách du lịch đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Mỹ sau khi nghe tiếng đàn, sáo của gia đình Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai đã trầm trồ thán phục khi hiểu hơn về nguồn gốc, cấu tạo các loại đàn Việt Nam.
 
Từ lời giới thiệu của bạn bè, rồi "tiếng lành đồn xa", từng đoàn du khách nước ngoài đã chia sẻ và tự tìm đến Trúc Mai House.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế, một số doanh nghiệp lữ hành đã  trực tiếp liên hệ với gia đình Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai. Một số doanh nghiệp còn bày tỏ mong muốn được ghép thêm các đoàn khách từ nhiều quốc gia khác nhau trong cùng một buổi biểu diễn. Dù vậy, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai cho biết, chị chỉ có thể từ chối chứ không nhận ghép đoàn.
 
Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai tâm sự, ghép các đoàn vào cùng một buổi biểu diễn sẽ có thu nhập nhiều hơn nhưng mỗi đoàn khách cần sự truyền đạt ngôn ngữ khác nhau, do vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sự truyền đạt nghệ thuật.
 
Hiện Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai chưa có kế hoạch nhân rộng mô hình lớp học đàn miễn phí và điểm đến âm nhạc dân tộc này, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục cống hiến hết mình vì nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, bà cũng bày tỏ niềm hạnh phúc và sự kỳ vọng vào cậu con trai thứ hai là Đinh Nhật Minh (22 tuổi) đang theo học môn Sáo Trúc tại Trung Quốc (từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi trong nước và quốc tế) sẽ tiếp nối truyền thống gia đình, giới thiệu di sản văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đến với bạn bè thế giới./.
 Gia Thuận

Có thể bạn quan tâm