Đón bằng công nhận nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Đón bằng công nhận nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Lãnh đạo huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung và các nghệ nhân đúc đồng đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Lãnh đạo huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung và các nghệ nhân đúc đồng đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) đã có lịch sử cả nghìn năm và được bảo tồn, duy trì, phát huy cho tới ngày nay. Đúc đồng là một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều khâu, mỗi khâu lại có các bước, các thao tác kỹ thuật khác nhau từ làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm… Kinh nghiệm trong nghề đúc đồng thường được truyền trong gia đình, không được truyền sang làng khác vì thế từ bao đời nay, làng Trà Đông (xưa gọi là Kẻ Chè) thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá là nơi duy nhất ở Thanh Hoá lưu giữ và phát huy nghề đúc đồng truyền thống.

Đã có một thời gian, làng nghề đúc đồng Trà Đông hoạt động kém sôi động do người tiêu dùng chuyển sang dùng đồ nhôm, sắt, gang, nhựa, thậm chí bằng inox... vì giá thành rẻ hơn, mẫu mã đa dạng hơn nhưng khoảng 10 trở lại đây, nghề đúc đồng Chè Đông đã hồi sinh. Đến nay, những nghệ nhân tâm huyết với nghề như Lê Văn Bảy, Lê Văn Dương, Nguyễn Bá Châu, Đặng Ích Hoàn... đã thực sự khiến làng Chè Đông "sống dậy" với những sản phẩm nổi tiếng cả nước. Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa cùng với tư duy sáng tạo, quyết đoán và những bí kíp nghề quý giá được trao truyền qua nhiều thế hệ, các nghệ nhân làng Chè (Trà Đông) đã khôi phục những sản phầm truyền thống như: chiêng đồng, tượng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống…

Các nghệ nhân trình diễn nghề đúc đồng truyền thống tới đông đảo quan khách và nhân dân trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Các nghệ nhân trình diễn nghề đúc đồng truyền thống tới đông đảo quan khách và nhân dân trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Đặc biệt, với tình yêu và niềm đam mê, những người thợ đúc đồng làng Chè Đông đã mày mò, nghiên cứu, đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống với nhiều kích cỡ khác nhau, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao, từ chiếc trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ năm 2000, chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt trống 1,51m, cao 1,21m năm 2007 đến chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2m, đường kính mặt trống 2,7m năm 2013...

Vào năm 2010, tập thể nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông đã tham gia đúc 100 chiếc trống đồng để dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Những sản phẩm của người thợ đúc đồng Trà Đông đã góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam thêm phong phú, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian và lịch sử, nghề đúc đồng truyền thống làng Chè vẫn giữ được những nét độc đáo, đặc trưng mà không nơi nào sánh được.

Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 4/9/2018, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 3325, công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá là 1 trong 8 di sản được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đợt này.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Phạm Đăng Quyền khẳng định: “Việc nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân làng Trà Đông mà còn là của tất cả người dân xứ Thanh. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 7 của tỉnh Thanh Hoá được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tới đây, các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa, huyện Thiệu Hoá cần quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các cơ sở đúc đồng, các nghệ nhân và bà con nhân dân trong việc giữ gìn, bảo lưu và phát huy giá trị di sản vô cùng quý giá này của cha ông.

Biểu diễn tiết mục văn nghệ hát và múa với trống đồng tại lễ đón bằng công nhận nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Biểu diễn tiết mục văn nghệ hát và múa với trống đồng tại lễ đón bằng công nhận nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Bên cạnh việc quy hoạch làng nghề tập trung, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở đúc đồng; các nghệ nhân quan tâm đào tạo, trao truyền cho thế hệ trẻ. Các cơ sở đúc đồng cũng cần liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nghề đúc đồng làng Trà Đông và sản phẩm đồng đúc Trà Đông trở thành một thương hiệu lớn trong và ngoài nước.”

Tại lễ đón bằng công nhận nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia, các nghệ nhân, các cơ sở đúc đồng đã trình diễn nghề đúc đồng truyền thống tới đông đảo quan khách và nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Theo thống kê của UBND xã Thiệu Trung, hiện nay trong xã có 132 hộ duy trì, phát triển nghề đúc đồng truyền thống, trong đó có 15 hộ theo nghề đúc đồng “có bài có bản”, tập trung chủ yếu ở làng Chè Đông. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã phục dựng các sản phẩm truyền thống như: trống đồng, tượng nhân vật lịch sử, lư hương, chuông cổ… theo kiểu dáng xưa. Ở Chè Đông, nhiều hộ gia đình nhờ nghề truyền thống đã phát triển kinh tế, mở mang nghề truyền thống của quê hương. Hàng năm, doanh thu của làng từ nghề đúc đồng lên tới hàng chục tỷ đồng.
 
Hoa Mai – Khiếu Tư

Có thể bạn quan tâm