Đắk Nông: Phong trào văn nghệ quần chúng phát huy vai trò ở cơ sở

Đắk Nông: Phong trào văn nghệ quần chúng phát huy vai trò ở cơ sở
Vào các ngày cuối tuần, các thành viên CLB đàn hát dân ca xã Đắk Búk So (Tuy Đức) lại cùng nhau đến Trung tâm văn hóa-thể thao xã để cùng nhau luyện tập những bài hát yêu thích.

Các thành viên CLB Đàn hát dân ca xã Đắk Búk So (Tuy Đức) tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ V, năm 2015
Các thành viên CLB Đàn hát dân ca xã Đắk Búk So (Tuy Đức) tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ V, năm 2015
Ông Phạm Xuân Chức, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB được thành lập hơn chục năm nay, quy tụ hơn 30 thành viên tham gia sinh hoạt. Mỗi thành viên đều có một hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng ai cũng có chung niềm đam mê văn hóa văn nghệ. Những giây phút thả hồn vào âm nhạc làm cho các thành viên như sống lại với quá khứ hào hùng, hun đúc niềm tự hào dân tộc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong cuộc sống hàng ngày. Bằng những bài ca, điệu múa tự biên, tự diễn, CLB luôn góp mặt trong những ngày lễ kỷ niệm do địa phương tổ chức.

Đặc biệt, trong dịp chào mừng Đại hội Đảng các cấp, nhiều đội văn nghệ ở các xã khác cũng đến giao lưu với CLB để học hỏi kinh nghiệm tổ chức, sinh hoạt. Qua đó, CLB đã giúp các đội văn nghệ có thêm nhiều tiết mục mới, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để phục vụ đại hội. Ngoài việc cùng nhau tập luyện những bài hát mình yêu thích, các thành viên còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Bà Phùng Thị Nhị, thành viên CLB nói: Tham gia CLB, chúng tôi cảm thấy rất vui và thoải mái. Ngoài việc tìm được tiếng nói chung, chúng tôi còn chia sẻ với nhau những kinh nghiệm hay trong cuộc sống để cùng góp sức xây dựng cuộc sống ngày càng lành mạnh, văn minh hơn.  

Tương tự, CLB Mười Nhớ ở xã Nam Dong (Chư Jút) cũng được thành lập và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Theo anh Hà Văn Giới, Chủ nhiệm CLB thì bằng tình yêu văn hóa, văn nghệ, các thành viên luôn nỗ lực luyện tập, thể hiện những bài quan họ của quê hương mình. Để hoạt động được quy củ, CLB còn xây dựng những quy định chung, được tất cả các thành viên hưởng ứng tích cực. Ngoài việc tự nguyện đóng góp kinh phí hoạt động, các trang phục như áo the, khăn xếp, khăn mỏ quạ, nón ba tầm, ô lục soạn, nhạc cụ… đều được các thành viên tự mua. Muốn hát quan họ hay phải thực hiện điêu luyện kỹ thuật “vang, rền, nền, nảy”, có thể hát cho vui nhưng khi diễn phải giữ nguyên cái gốc, không hát bừa được, như thế mới là người quan họ xứ Kinh Bắc.

Anh Giới cho biết: Mỗi vùng quê, dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng biệt và chúng tôi yêu làn điệu quan họ của quê mình. Quan họ bao đời nay vẫn thế, chân chất, mộc mạc, nhưng cũng thật nồng nàn, quyến rũ. Được hát, thể hiện những câu hát thân thương thì không còn gì bằng. Ngoài việc luyện tập các ca khúc hát về tình yêu quê hương, đất nước, Bác Hồ kính yêu, CLB còn sáng tác những ca khúc mới chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tình yêu Trường Sa, Hoàng Sa…và được công chúng đón nhận, hưởng ứng.

Qua tìm hiểu được biết, toàn tỉnh hiện có 32 đội VNQC, 41 đội văn nghệ dân gian ở các xã, phường, thị trấn luôn duy trì sinh hoạt có hiệu quả. Ðể thúc đẩy, phát huy vai trò của các CLB, đội VNQC trong đời sống, các địa phương cũng quan tâm đầu tư tăng âm, loa đài, mua sắm trang phục, đạo cụ, xây dựng thêm sân khấu biểu diễn, tạo sân chơi bổ ích, thu hút nhiều người dân tham gia.

Qua những buổi giao lưu, người dân còn được học hỏi, trao đổi thêm nhiều kiến thức về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, tiếp thu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Có thể nói, việc "nở rộ" các CLB, đội nhóm VNQC ở các địa phương đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân. Thông qua đó, người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cuộc sống.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm