Cột Kút, Klao trong nhà mồ của người Jrai M'Thur

Cột Kút, Klao trong nhà mồ của người Jrai M'Thur
Cột Kút, Klao là 2 loại cột không khác nhau là mấy về nội dung lẫn hình thức kiểu cách, có khác là ở vị trí độ thấp cao của cột. Hai loại cột thờ này có thể thay thế cho nhau, tức là một nhà mồ có thể có Kút mà không có Klao và ngược lại, đối với nhà mồ lớn, gia chủ giàu có, người ta có thể dựng đủ 2 cột.
 
Cột Klao bao giờ cũng được làm 2 cái to, cao tùy thuộc vào nhà mồ lớn hay nhỏ để khi dựng cột, những phần họa tiết, điêu khắc phải nằm trên nóc nhà mồ. Vị trí của 2 cột Klao được đặt ở hai đầu hồi của nhà mồ.

Cột Kút có phần lớn hơn cột Klao, cột được đặt ở trên đỉnh, giữa nóc nhà mồ và điều đặc biệt là ở cột Klao người ta chôn xuống đất, một phần đưa vào khung cửa nhà mồ nhưng ở cột Kút vì đặt giữa nhà mồ, lại không chôn do vậy bộ phận các thanh gỗ của nhà mồ phải rất chắc mới kìm giữ không cho cột Kút nghiêng đổ. Mặt khác, cột Kút luôn cao và to hơn so với cột Klao, nếu không làm chắc cột Kút sẽ bị đổ và điều này rất kiêng kỵ đối với quan niệm của người Jrai M’Thur vì như thế người chết (hồn ma) đã không bằng lòng với những gì mà người sống đang làm, muốn tai qua, nạn khỏi thì phải làm cái khác… tất nhiên sẽ rất tốn kém cho gia chủ.

Như đã nói trên, nếu cột tượng là những cây gỗ được tạc các tượng người đứng, ngồi, cô gái lấy nước, bà địu cháu hoặc tượng thú thì cột Kút, Klao chủ yếu phác họa những đường nét hoa văn vừa có tính nhất quán, vừa có tính cảm hứng. Ở cột tượng, ta thấy những tượng người được khắc họa lại đời sống sinh hoạt hàng ngày qua từng giai đoạn thời kỳ thì ở cột Kút, Klao là những kiểu dáng đường nét thống nhất trên cả một vùng rộng lớn.

Cột Kút, Klao được đẽo gọt từ một thân cây cao, thẳng làm to hay nhỏ tùy thuộc vào ngôi mộ lớn hay nhỏ, gia chủ giàu hay nghèo. Cột được làm sao cho khi dựng cột toàn bộ phần điêu khắc phải nằm trên nóc nhà. Nếu nhìn các họa tiết và phần điêu khắc ta có thể phân chia cột ra làm 3 phần trong đó phần dưới cùng thể hiện những sinh thực khí khá công phu.

Bắt đầu là hình cái nồi, trước đây người ta còn bó cỏ tranh ở dưới hình cái nồi, mục đích là làm nhà cho các thần trú ngụ, tiếp đến hình sinh thực khí nữ giới, bộ phận này đẽo gọt khá công phu và ngày nay nó đã có phần mờ nhạt không rõ nét như trước kia. Nối tiếp với bộ phận này là một hình bắp chuối thuôn dài, đây rất có thể là bộ sinh thực khí nam, phía trên, bao xung quanh hình bắp chuối là hình 8 quả đu đủ, hình này làm ta nhớ đến những bức tượng, phù điêu có hình bầu vú bao quanh chân đế của người Chăm đặt tại cổ viện Chàm-Đà Nẵng, một dân tộc có cùng hệ ngôn ngữ Nam Đảo.

Phần thứ hai được chia cắt bởi một thanh gỗ ngang giáp vào, hơi cong lên tạo dáng như hình mặt trăng được gọi là M’Lau Kteh tức hoa văn mặt trăng. Phần tiếp theo từ đoạn này trở lên phía trên cây gỗ được đẽo vắt mỏng như kiểu mái chèo trên đấy người ta chạm trổ những đường hoa văn răng cưa được gọi là hoa văn kỳ đà, đồng thời chạm thủy lỗ hình vuông, hình thoi, tam giác, hình tròn… ở đoạn này thường tùy ý sáng tạo của nghệ nhân nên hầu như mỗi cột tuy có cùng kiểu dáng, kích thước, nội dung nhưng lại có mỗi vẻ đẹp khác nhau giữa các cột cũng như giữa các nhà mồ với nhau…

Phần trên cùng được ngăn cách bởi một thanh gỗ mà ở hai đầu thanh gỗ có xu hướng cong xuống, thanh gỗ này được giải thích như một cánh tay của thần (T’ngan Yang), phần trên cùng được trang trí một vài đường nét hoa văn nhỏ cùng với hình một mặt trăng khuyết đôi khi là hình mặt trời, phần trên cùng này hầu như hình tượng mặt trăng hoặc mặt trời là không thể thiếu.

Có thể bạn quan tâm