Cờ người - nuôi dưỡng những giá trị tinh thần dân tộc

 Cờ người - nuôi dưỡng những giá trị tinh thần dân tộc
Cờ người là một trong số những trò chơi dân gian đặc sắc diễn ra trong các dịp lễ hội của Việt Nam, đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên đán. Trước đây, hội Cờ người phổ biến khắp các làng quê Việt Nam, trong đó tiêu biểu nhất là ở các làng quê Bình Định. Theo các cụ cao niên ở đây kể lại, hội cờ người ở Bình Định có từ thời phong kiến, bắt nguồn từ làng Phú Đa, thôn Tân Dân, xã Nhơn An, huyện An Nhơn.
 
Trải qua nhiều biến thiên thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, hội Cờ người đã từng có thời kỳ bị mai một. Gần đây, cùng với chủ trương bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc, nhiều lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được khôi phục, trong đó có hội Cờ người.
 
Cờ người là một trò chơi dân gian đầy chất trí tuệ. Ảnh:vtv.vn
Cờ người là một trò chơi dân gian đầy chất trí tuệ. Ảnh:vtv.vn

Cờ người là tên gọi khác của môn Cờ tướng, do người đóng thế thành các quân cờ. Bàn cờ được thiết kế vuông vức ở giữa khoảng sân rộng hoặc sân đình, chùa. Mỗi ván cờ gồm 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ, chia thành 2 phe. Đây là những nam thanh, nữ tú là con cháu trong làng hoặc các võ sinh của các võ đường trong làng. Hai tướng (tướng ông và tướng bà) là những người có ngoại hình đẹp nhất và nổi bật nhất trong số 32 quân cờ. Ngoài 32 người chơi trong sân, Cờ người không thể thiếu người thứ 33 là Tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp Ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu cờ.

Trang phục trên sân cờ phải chỉnh tề và thống nhất, thường là màu đỏ hoặc vàng (16 chàng trai) và màu đen hoặc xanh (16 thiếu nữ). Tướng được đội mũ tướng soái, mặc triều phục bá quan văn võ, có lọng che. Sĩ đội mũ cánh chuồn có tua vàng. Trước khi cuộc thi diễn ra, các “quân cờ” sẽ tiến hành tập luyện các thế đi, đường võ để chuẩn bị xung trận biểu diễn cho từng thế cờ.

Trước giờ thi đấu, bên ngoài sân, cổ động viên “tiếp sức” cho đội của mình bằng những hồi trống, tiếng chiêng khua liên hồi làm cho không khí hội thi trở nên sôi động. Để đáp lại, cả đội Cờ cũng múa theo tiếng trống và phách. Sau khi các “quân cờ” đã vào vị trí, một hồi trống dài nổi lên, hai đấu thủ cờ mặc áo dài, khăn xếp xuất hiện để giới thiệu danh tính; mỗi người cầm một cây cờ đuôi nheo ngũ sắc nhỏ để chỉ huy trận đánh. Theo quy định, đấu thủ cầm quân đỏ được đi trước, sau đó đến quân đen và luân phiên theo thứ tự cho đến hết. Cứ thế, Cờ người diễn ra trong không khí tưng bừng của ngày hội.

Nghệ thuật thi đấu Cờ người thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa vùng miền. Qua thi đấu, ta có thể nhận ra bản sắc văn hoá riêng của từng vùng miền. Nếu như trong các hội Cờ người ở miền Bắc, tiến trình của hội Cờ người mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng. Thì trong các hội Cờ người ở miền Trung và miền Nam, phần biểu diễn của các “quân cờ” có phần sống động hơn, khi cờ trống lệnh đưa ra, quân cờ phải xuất tiến tới, tấn công quân cờ đối phương bằng các thế võ như đứng tấn, múa đao, giáo, mác, hay đi một bài quyền, hoặc giáp lá cà dùng binh khí vô hiệu hoá, đánh ngã đối phương...

Đặc biệt, ở miền Trung, điển hình nhất là Bình Định, hội Cờ người diễn ra sống động hơn. Đến với hội Cờ người ở Bình Định, người xem được thưởng ngoạn những màn thi võ thuật độc đáo như một cuộc đối kháng thật sự chứ không chỉ đơn thuần là những màn biểu diễn. Mỗi nước cờ được gắn liền với một thế võ tương ứng khác nhau, như con mã muốn ăn bất cứ quân nào khác của đối phương thì dùng thế “Hầu tiểu kiêm kê” - xoay một vòng rồi đánh ngang; hay con xe ăn con pháo thì dùng thế “Thừa châu bố địa” - đánh phủ đầu từ trên xuống, quân pháo ăn quân mã thì dùng “Đục pháo xuân thiên” - từ dưới đánh lên trên, quân tượng ăn quân mã thì dùng thế “ngưu khai giác” - giống như cặp sừng trâu đánh qua, đánh lại...

Để thực hiện được điều này đòi hỏi các “quân cờ” không chỉ am hiểu võ cổ truyền mà còn thành thục từng thế võ. Vì vậy, để được chọn vào đội thi đấu Cờ người, các võ sinh được huấn luyện võ thuật rất nhuần nhuyễn, công phu từ ba đến năm năm.

Khi quân của một trong hai bên bị “ăn mất” thì hồi trống cũng vang lên theo. Còn khi một trong hai kỳ thủ rơi vào thế bí, không chịu xuất quân, khi đó hồi trống thúc giục vang lên liên hồi, nếu kỳ thủ không thể xuất quân sẽ bị xử thua...

Mỗi ván đấu Cờ người thường kéo dài 2 giờ. Nếu sau 2 giờ vẫn chưa kết thúc, ban tổ chức sẽ cho bốc thăm để phân chia thắng bại. Các đội thi đấu dưới hình thức vòng tròn, thường thì có bốn đội tham gia. Vì thi đấu dưới hình thức biểu diễn, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nên cuối hội thi, đội nào cũng được trao giải nhằm động viên tinh thần các kỳ thủ.

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, Cờ người vẫn luôn giữ cho mình nét đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ. Đây cũng là dịp để nhiều người được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử, cùng niềm tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc. Chính vì tinh thần thượng võ và ý nghĩa truyền thống sâu đậm khiến trò chơi dân gian này đã và đang có sức sống lâu bền trong cuộc sống.

Phương Nam (tổng hợp)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm